Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chiến lược phát triển thủy lợi đến năm 2030: Đáp ứng đa mục tiêu

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện yêu cầu trên, phát triển bền vững ngành thủy lợi theo hướng hiệu quả, đa mục tiêu, đóng vai trò cốt lõi. 
Nhiều vùng gặp khó với nguồn nước

Là địa phương với rất nhiều con sông chảy qua, công tác tưới tiêu của Hà Nội những năm qua được bảo đảm khá tốt. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Vĩnh Liên cho biết, một số khu vực trước đây từng gặp khó về nguồn nước như vùng bãi huyện Phúc Thọ, vùng đồi gò thuộc các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, thị xã Sơn Tây, thì nay việc sản xuất của bà con đã dần đi vào hiệu quả nhờ nguồn cấp nước ổn định. Dù vậy, việc tiêu nước đối với Hà Nội vẫn đang là bài toán khó. Đơn cử như trong năm 2017, các đợt mưa lớn diễn ra triền miên từ tháng 7 đến tháng 10 đã khiến hàng chục ngàn hecta lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản của bà con các huyện Hoài Đức, Mê Linh, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức… bị ngập úng, hư hỏng.

Công nhân kiểm tra vận hành tại Trạm bơm Bá Giang, huyện Đan Phượng. Ảnh: Lâm Nguyễn

Người nông dân tại Hà Nội có thể được xem là may mắn, bởi đang chịu ảnh hưởng lớn từ tình trạng úng ngập, tuy nhiên, việc cấp nước tưới phục vụ canh tác khá ổn định. Trong khi nhiều địa phương trên cả nước, nhất là tại các tỉnh Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc, công tác cấp nước tưới hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó cũng đồng nghĩa, mỗi năm, cả nước vẫn còn hàng trăm ngàn héc-ta diện tích canh tác của bà con nông dân thiếu nước sản xuất và chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề do những bất cập trong công tác tiêu thoát nước vào mùa mưa hiện nay.

Thách thức lớn

Sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 1590/QĐ-TTg, qua quá trình triển khai, ngành thủy lợi Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Từ năm 2009 - 2016, năng lực tưới của ngành thủy lợi đã tăng thêm 151.000ha và năng lực tiêu tăng thêm 100.000ha.

Dù vậy, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, sự phát triển của ngành thủy lợi đang đứng trước nhiều thách thức. Điển hình là biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp khiến nguồn nước trên hệ thống các sông, hồ cạn kiệt; tác động của phát triển thượng nguồn (đặc biệt là việc xây dựng các hồ chứa); quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa khiến diện tích rừng suy giảm, hạn chế không gian thoát lũ, gia tăng tình trạng xói lở bờ sông, xâm nhập mặn… Đây là những thách thức rất lớn đối với ngành thủy lợi để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển nền nông nghiệp nước nhà trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Định hướng phát triển thủy lợi Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050 được Bộ NN&PTNT xác định là phát triển thủy lợi bền vững về tài chính trên cơ sở vận hành theo cơ chế thị trường, có sự tham gia của người dân và các thành phần kinh tế. Qua đó, đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp có tưới, tạo nguồn nước cho dân sinh, công nghiệp, dịch vụ, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và quản lý hiệu quả nguồn nước.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, thời gian tới, sẽ xây dựng và ban hành 4 Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Thủy lợi được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2017. Tập trung rà soát, hoàn thiện chính sách về giá dịch vụ thủy lợi; Khuyến khích đầu tư công - tư; Phát triển đồng bộ hạ tầng thủy lợi, nhất là các công trình đầu mối lớn, hệ thống thủy lợi nội đồng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý các công trình thủy lợi thông qua chuyển đổi mô hình hoạt động các công ty TNHH MTV thành DN cổ phần, thúc đẩy đặt hàng hoặc đấu thầu quản lý khai thác, song hành cùng khuyến khích mở rộng cung cấp dịch vụ có thu.
Thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), đến nay vẫn còn khoảng 31% diện tích gieo trồng cây hàng năm trên cả nước chưa được cấp nước tưới ổn định; Gần 40% diện tích lúa chưa được tưới chủ động. Ngoài ra, khoảng 20% diện tích cây trồng hàng năm hiện vẫn chưa được tiêu ổn định và 30% diện tích lúa chưa được tiêu nước chủ động.