Chiến thắng ngoại giao của Moscow tại Hội nghị thượng đỉnh Nga – NATO

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bầu không khí nóng bỏng của những tranh cãi liên quan đến vụ máy bay Nga áp sát...

Kinhtedothi - Trong bầu không khí nóng bỏng của những tranh cãi liên quan đến vụ máy bay Nga áp sát tàu Mỹ trên biển Baltic, thay đổi trên chính trường Ukraine, kết quả bầu cử Quốc hội Syria…, Hội đồng Nga - Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở cấp Đại sứ tại trụ sở NATO ở Brussels hôm 20/4 là cơ hội để lãnh đạo hai bên bàn thảo những vấn đề còn vướng mắc.

Hội đồng NATO - Nga thành lập vào năm 2002 và thường xuyên tiến hành họp cấp cao thường niên. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc gặp vào tháng 6/2014, các cuộc đối thoại giữa Nga – NATO bị “đóng băng” do các diễn biến ở Ukraine. Các đồng minh và đối tác của Mỹ trong NATO cũng chấm dứt hợp tác quân sự với Moscow và gia tăng mạnh hoạt động quân sự ở châu Âu. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov tuần trước đã “chua chát” cho rằng, sự ngoảnh mặt của NATO cho thấy, những thành tựu đạt được một cách gian nan trong lĩnh vực quân sự của Nga với các nước NATO, kể cả trong lĩnh vực chống khủng bố “đã bị gạt sang bên và quên lãng một cách dễ dàng”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo sẽ không bị NATO lôi kéo vào một cuộc đối đầu vô nghĩa.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo sẽ không bị NATO lôi kéo vào một cuộc đối đầu vô nghĩa.
Từ nhiều năm qua, mối quan hệ giữa các thành viên NATO và Nga chưa bao giờ diễn ra một cách êm thấm. Ngay trước thềm phiên họp đầu tiên sau gần 2 năm, các tuyên bố đáp trả qua lại giữa quan chức cấp cao 2 bên khiến nhiều nhà quan sát lo ngại Hội đồng Nga – NATO sẽ khó khai thông thế bế tắc tồn tại giữa 2 bên từ nhiều năm qua. Trên thực tế, vụ việc máy bay Nga áp sát tàu khu trục của Mỹ trên biển Baltic chỉ là giọt nước tràn ly cho những bất đồng bấy lâu của NATO với Nga trong nhiều hồ sơ nóng, từ Trung Đông, Bắc Phi đến Đông Bắc Á và phần biên giới châu Âu của Nga.

Tuy nhiên, việc khôi phục lại hoạt động của Hội đồng Nga - NATO phần nào cho thấy, phương Tây đang buộc phải thay đổi chính sách trong quan hệ với Moscow. Trước đó, đại diện Nga đã nhiều lần cho rằng, việc nối lại hợp tác phụ thuộc vào ý chí của NATO với lập luận Khối hiệp ước tự cắt kênh giao tiếp với Nga thì phải tự khôi phục lại các liên hệ đó. Những biến chuyển của cục diện thế giới trong hơn 2 năm qua, buộc giới chức của Khối phải nhượng bộ bằng cách đề xuất tổ chức cuộc gặp Hội đồng Nga - NATO.

Theo nhiều nhà quan sát, dù cuộc gặp giữa các quan chức Nga - NATO tại Brussel có kết quả thế nào đi chăng nữa thì đây vẫn là thắng lợi ngoại giao tuyệt vời của Moscow. Không những thế, sự kiện này còn đánh dấu sự chiến thắng của chủ nghĩa hiện thực trong chính sách đối ngoại, trong quan hệ giữa Đông và Tây. Trong những năm gần đây, Ukraine đã được coi là “chiến trường ý thức hệ” nơi báo chí của các thành viên NATO tung hô về sự chiến thắng của các giá trị phương Tây. Tuy nhiên, Nga đã tham gia cuộc chiến này với một tinh thần không khoan nhượng, một đối sách ngoại giao không thỏa hiệp. Đối đầu với các đợt trừng phạt kinh tế, ngoại giao và cả tình trạng khủng hoảng ngân khố vì giá dầu lao dốc, vốn diễn ra do sức ép từ Mỹ và đồng minh, Nga vẫn lần lượt ép phương Tây phải ngồi vào bàn đàm phán và thông qua thỏa thuận Minsk. Tại Syria, Nga bất ngờ tham chiến chống khủng bố và cũng bất ngờ rút bớt lực lượng khi đã giúp Tổng thống Assad vượt qua giai đoạn khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ “tiếp thị” cho dàn vũ khí, khí tài.

Sự chủ động và kiên quyết trong đối sách ngoại giao của Nga cho thấy, Moscow không phải là một đối thủ dễ chơi. Và nói như Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Nga sẽ không để NATO lôi kéo vào một cuộc đối đầu vô nghĩa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần