Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chiêu bán hàng Trung Quốc mùa cao điểm Tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Càng gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm tăng lên, tập trung vào những thực phẩm thiết yếu dành cho ngày Tết.

KTĐT - Càng gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm tăng lên, tập trung vào những thực phẩm thiết yếu dành cho ngày Tết.

Trộn lẫn vào hàng nội; phân thành từng bao bì nhỏ không ghi nhãn hiệu; giới thiệu là cam Mỹ, táo Nhật... là những chiêu nhiều tiểu thương tại TP HCM dùng để bán hàng Trung Quốc mùa cao điểm Tết.

Xu hướng tiêu dùng Tết năm nay ở TP HCM là mua hàng hóa có nhãn mác, cơ sở sản xuất, hạn dùng rõ ràng; khiến các loại bánh kẹo, lạp xưởng, đồ hộp, nước uống... Trung Quốc đổ về các chợ sỉ thành phố giảm hẳn so với cùng kỳ mọi năm.

Càng gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm tăng lên, tập trung vào những thực phẩm thiết yếu dành cho ngày Tết. Song, "khác với mọi năm, lượng hàng Trung Quốc ở chợ năm nay chiếm chưa đến 10%, trong khi những năm trước đến 30%", ông Phạm Ngọc Trung, đại diện Ban quản lý chợ Bình Tây - đầu mối lớn cung cấp hàng cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cho biết.

"Nhu cầu về những mặt hàng này không còn lớn như trước", chia sẻ của chị Năm, chủ sạp hàng chợ Bình Tây, quận 5. Bởi nếu những năm trước, tiêu chí mẫu mã bắt mắt, giá rẻ được người tiêu dùng ưa chuộng thì Tết năm nay, người mua "săm soi" kỹ hàng do cơ sở nào sản xuất, hạn sử dụng bao lâu nhiều hơn. Trong khi đó thời gian qua có nhiều thông tin được cơ quan chức năng công bố về tình trạng kém chất lượng của không ít mặt hàng xuất xứ Trung Quốc, cũng khiến người tiêu dùng trong nước lo ngại.

Do hàng Trung Quốc rẻ hơn 20-40% so với nguồn hàng trong nước, nhất là hàng không có chứng từ, nên nhiều tiểu thương cho biết thường xuyên trộn với hàng của cơ sở sản xuất trong nước, nhưng bán với giá của hàng nội. Bởi "nếu bán giá rẻ, người tiêu dùng sẽ nghi ngờ là hàng kém chất lượng mới có giá như vậy", chị Trang, tiểu thương ở quận 5 cho biết.

Theo ông Trung, "Ban quản lý chợ thường xuyên kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, người bán phải xuất trình hóa đơn chứng từ rõ ràng". Ngoài ra, tiểu thương lấy hàng cũng cần có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều đầu mối từ các tỉnh miền Tây lên lấy hàng về phân phối lại, cũng yêu cầu tiểu thương ở chợ xuất trình giấy chứng nhận chất lượng.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp sản phẩm được đóng gói có nhãn mác, hạn dùng, tên đơn vị sản xuất cụ thể, nhưng để trưng bày hàng đẹp mắt, tiểu thương cho vào từng túi nilon nhỏ hơn. Do vậy, những thông tin cơ bản về xuất xứ sản phẩm đã không còn nữa, thay vào đó là dòng chữ nhỏ ghi tên và giá mặt hàng, khiến người tiêu dùng nghĩ rằng đây là hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, Ban quản lý chợ, đoàn thanh tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, yêu cầu tiểu thương xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp lệ của sản phẩm, nếu không sẽ bị phạt tiền.

Dạo quanh các sạp bánh mứt ở chợ Bình Tây hồi lâu mà vẫn chưa mua hàng, một khách hàng tên Trung cho biết các loại bánh kẹo vào sẵn bịch nilon to, chỉ một tờ giấy nhỏ bên ngoài ghi tên sản phẩm, giá tiền, nên anh băn khoăn liệu đó có phải là hàng trôi nổi, từ Trung Quốc du nhập sang.

Theo Ban quản lý chợ An Đông, chợ Bình Tây - nơi phân phối hàng đi các tỉnh miền Tây và địa bàn TP HCM, lượng hàng Trung Quốc về chợ năm nay giảm hẳn. Tuy nhiên, vẫn còn một số bánh kẹo Tết như: thèo lèo, mứt chà là, nấm khô, bột ngọt... có ghi chi chít chữ Trung Quốc nên người tiêu dùng sẽ dễ nhận ra. Ngoài ra, một số trái cây: táo, lê, nho... Trung Quốc vẫn được đưa vào cung ứng cho thị trường ngày Tết.

Cũng có trường hợp, trái cây có nguồn gốc Trung Quốc nhưng khi lấy ra khỏi thùng chưng lên sạp, tiểu thương nói là cam Mỹ, táo Nhật..., những người tiêu dùng không biết bị mua giá cao, trong khi trái cây Trung Quốc giá rất rẻ. Những trường hợp này, Ban quản lý chợ rất khó kiểm soát, bởi nguồn gốc thật sự chỉ có người lấy hàng mới biết. Ví dụ: Cam Thái Lan, cam Trung Quốc, cam Vinh (Nghệ An), cam Mỹ khá giống nhau, cũng màu vàng tươi rói, trái to, da mơn mởn, nhưng có giá hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, không ít tiểu thương biến hóa cam Trung Quốc, dán nhãn cam Mỹ để bán với giá cao hơn.