Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ họp trực tuyến toàn quốc về phục hồi kinh tế - xã hội

Dương Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế-xã hội, chương trình phục hồi và phát triển; việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.

Cùng tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương. Tham dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, cùng đại diện các sở, ngành liên quan của thành phố.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công Quý I còn chậm

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ngày 5/1/2022, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022. Đến nay, vừa tròn một quý, Chính phủ tiếp tục tổ chức hội nghị đánh giá lại kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong 3 tháng đầu năm, trong đó, rút ra những bài học kinh nghiệm, chỉ ra những nguyên nhân chủ quan - khách quan để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, so với thời điểm đầu năm thì hiện nay tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó, đáng chú ý là xung đột tại Ukraine, cạnh tranh nước lớn gay gắt; tình trạng khan hiếm nguyên liệu, giá nguyên liệu, nhất là dầu khí tăng cao; lạm phát ở nhiều nước tăng; tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp..., ảnh hưởng đến tình hình kinh tế trong nước. Trước khó khăn đó, Chính phủ đã bám sát tình hình để điều hành một cách linh hoạt, hiệu quả trong mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế.

Điểm lại những khó khăn thách thức nội tại nền kinh tế trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong Quý I/2022, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện "đa mục tiêu" gồm tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, thực hiện kiểm soát rủi ro, giảm số ca chuyển nặng, tử vong, không để quá tải hệ thống y tế; thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, chăm lo an sinh xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trước các diễn biến phức tạp của tình hình thế giới… 

Nhờ đó, Quý I/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. “Tuy nhiên, qua 3 tháng tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, so với 3 tháng cùng kỳ năm ngoái còn thấp hơn. Vì thế, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát lại các nguyên nhân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cải cách thủ tục hành chính thông thoáng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân” - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. 

Sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc, Hội nghị nghe các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2021 và tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022. Trong đó, đại diện các bộ, ngành và địa phương đặc biệt tập trung thảo luận việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, các công trình trọng điểm quốc gia trong năm 2022.

Quang cảng Hội nghị
Quang cảng Hội nghị

Kinh tế Thủ đô phục rồi rõ rệt

Đối với thành phố Hà Nội, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố đã ban hành các Kế hoạch về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Qua đó, kinh tế Thủ đô phục hồi rõ rệt, các cân đối lớn được đảm bảo. Tổng sản phẩm trên địa bàn Quý I tăng 5,83%, đạt mục tiêu kịch bản tăng trưởng (từ 5,7-6,2%). Trong đó Dịch vụ tăng 6,15%, Công nghiệp - xây dựng tăng 5,61%; Nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%.

Tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện Quý I là 102.402 tỷ đồng, đạt 32,9% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khá cao gây áp lực lớn lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát dưới 4%; CPI tháng 3 đã tăng 2,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,21% so với cùng kỳ; CPI bình quân quý I tăng 2,66% (cùng kỳ tăng 0,04%). Các hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu khởi sắc...

Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến hết ngày 31/3/2022, toàn Thành phố giải ngân được 4.111 tỷ đồng, đạt 8% kế hoạch (tăng 26,7% so với cùng kỳ). Ước giải ngân đến hết tháng 4/2022 đạt 8.156,6 tỷ đồng, đạt 15,8% kế hoạch. Thành phố xác định việc thực hiện và thúc đẩy giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2022 là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Từ đó đã chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư công, rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công của Thành phố và cấp Huyện ngay từ đầu năm 2022.

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến thị trường thế giới và xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine để dự báo tình hình và kịp thời có giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%, đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách và kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Hà Nội
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Hà Nội

Thành phố sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; thực hiện miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ người lao động... theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Bảo đảm cung - cầu nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất và xây dựng; chuỗi cung ứng, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; kiểm soát giá cả thị trường. Đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm. Chuẩn bị công tác phòng chống thiên tai mùa mưa bão... 

Bên cạnh đó, tập trung công tác chuẩn bị phục vụ tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các nước Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31). Chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ các kỳ thi THPT năm học 2021-2022 và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2022-2023. Đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách dịp Quốc khánh 02/9; kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ... 

Đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ. Tổ chức thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Tập trung vào 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đã đề ra

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, qua thảo luận các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương cơ bản đồng tình với các báo cáo tại hội nghị. Trong đó, các đại biểu cho rằng, dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp cùng với khó khăn trong nước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế trong nước, song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và điều hành kịp thời của Chính phủ, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp nên chúng ta vẫn đạt được nhiều kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Nhờ đó, chúng ta đã cơ bản mở cửa trở lại các hoạt động và cho học sinh các cấp trở lại trường học trực tiếp. 

“Những kết quả đạt được trong Quý I toàn diện, đồng bộ trên tất cả lĩnh vực. Điều này cho thấy các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, các địa phương đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp” - Thủ tướng Chính phủ biểu dương.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết tình hình trong và ngoài nước dự báo vẫn nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là do những tác động của dịch Covid-19 thời gian qua. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương cần phát huy hơn nữa tinh thần tự lực tự cường, tự chủ về kinh tế, qua đó, đóng góp cho nền kinh tế cả nước. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phục hồi kinh tế nhanh và bền vững. 

“Chúng ta đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn, quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa. Trong đó, việc chỉ đạo, điều hành cũng như lựa chọn các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cần có trọng tâm, trọng điểm để đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể là các lĩnh vực ưu tiên về văn hóa, giáo dục, y tế, đầu tư công… Đồng thời, các địa phương cần rà soát lại các nguồn lực để tập trung đầu tư cho hiệu quả” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành liên quan dành ưu tiên cho các lĩnh vực mà hạ tầng còn yếu; tập trung vào 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đã đề ra để triển khai thực hiện từ nay đến cuối năm nhằm bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất kinh doanh; mở rộng thị trường xuất khẩu… Trong đó, chú trọng kế hoạch tiêm vắc xin cho các đối tượng theo quy định và bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường học trực tiếp.