Theo đó, chẳng hạn loại tiền có ghi mệnh giá 1.000 Rp sẽ trở thành 1 Rp, nhưng giá trị vẫn là 1.000 Rp. Bộ trưởng Tài chính Agus Martowardojo ngày 6/12 cho biết sau khi hoàn tất các thủ tục tại Bộ Luật pháp và Nhân quyền, sang năm 2012 chính phủ sẽ trình một dự thảo luật lên Hạ viện (DPR) về vấn đề nói trên. Dự thảo luật mà BI xây dựng, khi được chính thức thông qua, sẽ mất 10 năm triển khai với 4 giai đoạn khác nhau để giảm thiểu các rối loạn có thể trong xã hội. Từ năm 2011-2012 là thời gian dành cho chiến dịch thông tin tuyên truyền. Từ năm 2013-2015 là giai đoạn chuyển tiếp. Khoảng từ năm 2016-2018, cơ quan chức năng sẽ bắt đầu thu hồi dần tiền Rp "cũ," và từ năm 2019-2020 đồng Rp "mới" sẽ được đưa vào lưu hành. Thống đốc BI Darmin Nasution cho biết đề xuất chính sách nói trên của BI dựa trên thực tế tỷ giá hối đoái của đồng Rp là “quá thấp so với các loại tiền tệ khác.” Đây cũng là một phần trong nỗ lực điều chỉnh thích ứng với những cải cách kinh tế khu vực tiến tới thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Hiện tại, tỷ giá giữa đồng Rp với đồng USD là 9.100 Rp/1 USD - mức thấp thứ ba xét về tỷ giá hối đoái đối với đồng USD, đứng sau đồng metical của Mozambique (23.100) và Việt Nam đồng (21.000). Việc cắt bớt đi 3 số không cuối cùng của các tờ Rp sẽ chuyển tỷ giá trao đổi của loại tiền này với đồng USD thành mức 9,1 Rp/1 USD./.