Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ Mỹ có nguy cơ phải đóng cửa trong tuần này

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện đã chặn một dự luật đình chỉ mức nợ trần của Chính phủ Mỹ đến tháng 12/2022, buộc đảng Dân chủ phải tìm ra một chiến lược mới để đối phó với các hậu quả kinh tế nghiêm trọng đã được cảnh báo.

Ảnh: Bloomberg 
Trong cuộc bỏ phiếu hôm 27/9 về đạo luật đã được Hạ viện Mỹ thông qua, Đảng Cộng hòa tại Thượng viện từ chối ủng hộ việc đình chỉ nợ trần của Chính phủ với lý do không tán thành kế hoạch chi hàng nghìn tỷ của Đảng Dân chủ - một phần trong chính sách kinh tế lớn của Tổng thống Joe Biden. Động thái này có nguy cơ khiến Chính phủ Mỹ phải đóng cửa vào thứ Sáu tới (1/10).
Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer nói trước cuộc bỏ phiếu rằng đảng Cộng hòa đang thực hiện một chiến lược chính trị đe dọa nền kinh tế Mỹ. Trong khi lãnh đạo đảng Cộng hòa Thượng viện Mitch McConnell nói rằng đảng Dân chủ đã biết trước cách đây "10 tuần" rằng đảng Cộng hòa sẽ không ủng hộ họ nâng giới hạn nợ.
Cả 2 đảng phần lớn đồng ý về việc gia hạn tài trợ liên bang trong thời gian ngắn cho đến ngày 3/12, nhưng đảng Dân chủ gắn việc đình chỉ trần nợ với biện pháp phải thông qua đó.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ nỗ lực của Đảng Dân chủ. Cuối tuần trước, bà được cho cũng đã tìm kiếm sự ủng hộ từ lãnh đạo các công ty tài chính lớn nhất Phố Wall, bao gồm Jamie Dimon của JPMorgan Chase & Co. và Jane Fraser của Citigroup, nhằm gây áp lực cho đảng Cộng hòa hành động.
"Điều cấp thiết là Quốc hội phải nhanh chóng giải quyết giới hạn nợ. Nếu không, Mỹ sẽ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử... Đất nước chúng ta có thể sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế" - Bloomberg trích dẫn một tuyên bố được chuẩn bị trước của Bộ trưởng Yellen cho một phiên điều trần tại Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào ngày 28/9.
Cho đến nay, các thị trường tài chính không tỏ ra quá lo lắng về khả năng Mỹ sẽ vỡ nợ. Các nhà đầu tư chỉ yêu cầu lãi suất tín phiếu kho bạc cao hơn một chút vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 - giai đoạn được coi là có nguy cơ bị chậm thanh toán. Sự chênh lệch về giá vào hôm 27/9 chỉ là khoảng 2 điểm cơ bản, gần bằng 1/10 so với mức chênh lệch trong đợt giới hạn nợ năm 2013.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Thượng nghị sĩ Dick Durbin của Illinois - lãnh đạo đảng Dân chủ số 2 - tuần trước đã chỉ ra rằng đảng Dân chủ không muốn đóng cửa hoặc vỡ nợ về các nghĩa vụ của Chính phủ Mỹ.
Một giải pháp thay thế được cho sẽ là loại bỏ quy định trần nợ khỏi dự luật tài trợ của Chính phủ và chuyển thành khoản riêng biệt. Đạo luật tài trợ cho các hoạt động của Chính phủ cũng sẽ cung cấp 28,6 tỷ USD cho các bang đang phục hồi sau một loạt trận bão và cháy rừng, cũng như 6,3 tỷ USD để tái định cư người tị nạn Afghanistan, có khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại cả Hạ viện và Thượng viện.
Sau đó, mức trần nợ có thể được chuyển thông qua một quá trình được gọi là hòa giải, cho phép đảng Dân chủ thông qua nó tại Thượng viện trong khi tránh được sự phản đối của đảng Cộng hòa. Kịch bản có khả năng xảy ra nhất là đảng Dân chủ sửa đổi nghị quyết ngân sách đã được thông qua, tạo tiền đề cho gói kinh tế lên tới 3,5 nghìn tỷ USD và tạo ra luật riêng để nâng trần nợ.
Điều này, theo Bloomberg, chắc chắn sẽ làm chậm quá trình hoàn thành gói kinh tế của Tổng thống Biden, vì có thể mất gần 2 tuần để nâng mức giới hạn nợ bằng chiến thuật đó.
Hiện tổng giá trị của gói kinh tế vẫn chưa được ấn định, trong khi một số Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ ôn hòa cho biết họ muốn giảm quy mô so với con số 3,5 nghìn tỷ USD theo kế hoạch ban đầu. Ngoài ra vẫn còn có những mâu thuẫn về gói này trong chính đảng Dân chủ, liên quan đến các điều khoản về thuế và biến đổi khí hậu.