Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ Nga thông qua nghị định bãi bỏ Hiệp ước Bầu trời Mở

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất về bãi bỏ Hiệp ước Bầu trời Mở sẽ được trình lên Tổng thống Nga Vladimir Putin để đệ trình Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga.

Ngày 5/5, chính phủ Nga đã thông qua việc bãi bỏ Hiệp ước Bầu trời Mở. Văn bản tương ứng đã được công bố trên Cổng thông tin pháp lý Internet.
Chính phủ Nga thông qua việc bãi bỏ Hiệp ước Bầu trời Mở. Ảnh: Tass
Nghị định của chính phủ Nga nêu rõ: "Chính phủ thông qua đề xuất về việc bãi bỏ Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết tại TP Helsinki vào ngày 24/3/1992, và trình Tổng thống Nga để đệ trình lên Duma quốc gia Nga”.
Trước đó, ngày 15/1, Bộ Ngoại giao Nga thông báo rằng Moscow đã khởi động các thủ tục để rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Cơ quan ngoại giao Nga giải thích động thái này là do không có tiến triển trong việc tháo gỡ những trở ngại cho việc tiếp tục Hiệp ước trong các điều kiện mới sau khi Mỹ từ bỏ vào tháng 11/2020. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 4 tuyên bố rằng Washington vẫn chưa quyết định tái gia nhập Hiệp ước Bầu trời mở.
Trong nhiều năm, Washington đã cáo buộc Moscow thực hiện một cách tiếp cận có chọn lọc để thực hiện Hiệp ước Bầu trời Mở và vi phạm một số điều khoản của Hiệp ước này. Nga đã đưa ra các tuyên bố phản đối cáo buộc vi phạm Hiệp ước Bầu trời Mở.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký vào ngày 24/3/1992 tại Helsinki, Phần Lan. Văn kiện này đã trở thành một trong những biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh, khi cho phép 34 quốc gia tham gia công khai thu thập thông tin về lực lượng và hoạt động quân sự của nhau. Ngày 22/5/2020, Mỹ đưa ra thủ tục rút khỏi Hiệp ước và chính thức rút vào ngày 22/11. Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng, sau việc này, "sự cân bằng lợi ích của các quốc gia tham gia đạt được khi ký kết Hiệp ước đã bị phá vỡ”.
Hồi đầu năm nay, người đứng đầu Ủy ban Duma Quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế Leonid Slutsky, coi việc nước này khởi động thủ tục rút khỏi Hiệp ước là "một phản ứng thỏa đáng" đối với Mỹ, và "việc các đối tác châu Âu không hành động để cung cấp bảo đảm cho Nga về việc không chuyển dữ liệu về các chuyến bay quan sát trên lãnh thổ Nga cho phía Mỹ”. Nga cho rằng, sau bước đi của Washington và không có sự bảo đảm từ châu Âu, việc tiếp tục các chuyến bay sẽ mang đến rủi ro cho an ninh quốc gia của Nga.