Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính phủ Thái Lan kiên quyết bảo vệ Hoàng gia

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Thái Lan hôm nay (19/10) tuyên bố bảo vệ chế độ quân chủ, sau khi hàng chục nghìn người biểu tình xuống đường ở Bangkok và các TP khác hồi cuối tuần nhằm kêu gọi sửa đổi hiến pháp mới, kiềm chế quyền lực của Nhà vua.

Người biểu tình đi qua bức chân dung của Vua Maha Vajiralongkorn. 
Bất chấp sắc lệnh khẩn cấp cấm tụ tập công khai trên 5 người, khoảng 10.000 người hôm Chủ nhật đã vây quanh Tượng đài Chiến thắng ở trung tâm thủ đô Bangkok với các biểu ngữ, cản trở giao thông.
Phát biểu với báo giới tại Tòa nhà Chính phủ hôm 19/10, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết, ông ủng hộ ý tưởng Quốc hội tổ chức một phiên họp khẩn cấp để tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, nhưng cho biết Chính phủ phải "bảo vệ chế độ quân chủ".
"Chính phủ đã cố gắng hết sức để thỏa hiệp. Tất cả những gì tôi yêu cầu là tránh phá hủy tài sản của nhà nước và công cộng", ông Prayut nói, cho biết thêm rằng các thành viên nội các có thể thảo luận về khả năng diễn ra một cuộc họp khẩn cấp của Quốc hội vào thứ Ba.
"Việc chính phủ phải làm là bảo vệ chế độ quân chủ. Đây là nghĩa vụ mọi công dân Thái Lan phải thực hiện", ông Prayut nói tiếp, "tôi kêu gọi các cuộc biểu tình ôn hòa, Chính phủ đã nhượng bộ một cách hợp lý. Chúng tôi đang tránh sử dụng vũ lực hết mức có thể".
Hiện một số nhà lãnh đạo biểu tình nổi tiếng đã bị bắt, vì các tội danh như gây rối. Đặc biệt, hôm 16/10, một số người đã bị bắt với cáo buộc cố gắng tấn đoàn xe của Hoàng gia. Những người này có thể phải đối mặt với mức án chung thân theo luật pháp Thái Lan.
Một yêu cầu trọng tâm khác của những người biểu tình là hiến pháp mới được soạn thảo, sau khi cựu tướng lĩnh và nhà lãnh đạo đảo chính Prayut trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử gây tranh cãi vào năm 2019, cần phải được viết lại vì nó cho phép quân đội nắm giữ quyền lực chính trị.