Doanh nghiệp “nhắm mắt làm liều”
Trong đơn kêu cứu gửi đến báo Kinh tế & Đô Thị, bà Trần Thị Ngân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Phúc Lộc Phát (Ấp An Hòa, xã Trung An, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) cho biết, bà có gần 6.000m2 đất, mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, thuộc xã Trung An, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2017, phần đất này được bà làm trang trại nuôi chim le le. Ngoài ra, bà còn có một trang trại nuôi khỉ tại quận 12 từ nhiều năm trước.
Đầu năm 2018, do yêu cầu của chính quyền địa phương, bà đã di dời trại nuôi khỉ của mình từ quận 12 về trang trại nuôi le le ở xã Trung An, huyện Củ Chi và được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty TNHH MTV Dịch vụ Phúc Lộc Phát (Công ty Phúc Lộc Phát) tại địa chỉ trang trại này. Toàn bộ trang trại nằm trong khuôn viên khép kín, xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến môi trường và an ninh trật tự địa phương. Từ đó đến nay, công ty của bà hoạt động chăn nuôi khỉ và sản xuất kinh doanh bình thường.
“Công ty của tôi là một trong 3 công ty gây nuôi và sinh sản khỉ đuôi dài xuất khẩu của Việt Nam theo Cites quốc tế (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp). Trang trại của tôi đang nuôi khoảng 3.000 cá thể khỉ. Mỗi lô hàng chúng tôi xuất khẩu, nộp thuế cho ngân sách nhà nước trên 10 tỷ đồng” - bà Ngân cho biết.
Cũng theo bà Ngân, trong phần diện tích đất gần 6.000m2 nói trên, có một khu hành chính, hậu cần và văn phòng công ty. Phần còn lại là lối đi và chuồng trại theo quy chuẩn chăn nuôi khỉ đuôi dài xuất khẩu. Diện tích nói trên, sử dụng cho 3.000 cá thể khỉ hiện có của công ty là tạm ổn.
Mới đây, công ty đã ký được một hợp đồng xuất khẩu hơn 1.000 cá thể khỉ đuôi dài sang Trung Quốc. Để chuẩn bị có đủ khỉ cho xuất khẩu, công ty phải bố trí cho công nhân và bác sỹ thú y ở lại trong trang trại để tiện nuôi, theo dõi và chắm sóc sức khỏe tốt nhất cho đàn khỉ. Vì vậy, công ty đã cho lắp ráp một căn nhà diện tích hơn 15m2, không đào móng, chỉ lắp khung kèo thép, lợp tôn cho bác sỹ thú y và công nhân vào ở tạm. Do đó, các cán bộ thuộc UBND xã Trung An đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu tháo dỡ.
Trước khi được xuất khẩu, khỉ phải được chích ngừa, xét nghiệm và cách ly theo quy định mỗi cá thể một lồng. Mỗi lồng có khoảng cách an toàn trong một chuồng và các chuồng phải đúng cự ly trong trại cách ly chờ xuất khẩu. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Cục thú y và Y tế dự phòng sẽ xét nghiệm, kiểm tra từng cá thể theo quy chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, công ty bắt buộc phải nâng cấp, mở rộng diện tích chuồng trại theo quy chuẩn quốc tế như đã nói ở trên.
Do lo ngại việc chuồng trại không đảm bảo, sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng sắp tới, bà Ngân và lãnh đạo công ty đã cho cải tạo lại một chuồng nuôi chim le le trước đây có diện tích 374,1m2 thành khu cách ly theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành.
“Công ty chỉ tiến hành quây lưới mắt cáo phía trên phần tường gạch, lấp mương nước ở dưới chuồng nuôi chim le le đã có từ trước, lắp thêm vì kèo thép tiền chế và nâng cao mái lợp tôn theo quy chuẩn chuồng trại mà Chi cục Kiểm lâm TP Hồ Chí Minh hướng dẫn. Tuy nhiên, ngày 13/6/2023 các cán bộ thuộc UBND xã Trung An đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính” - bà Ngân cho biết.
Để giải quyết vấn đề này, ngày 16/6/2023, Công ty Phúc Lộc Phát đã có văn bản số 26/KN-2023 gửi UBND huyện Củ Chi, Chi cục Kiểm lâm TP Hồ Chí Minh và UBND xã Trung An, kiến nghị giúp đỡ hướng dẫn cho doanh nghiệp làm các thủ tục sửa chữa, nâng cấp chuồng trại.
“Chúng tôi gửi kiến nghị ngày 16/6, thì đến ngày 19/6, Trạm cứu hộ động vật hoang dã của Chi cục kiểm lâm TP Hồ Chí Minh đã có công văn phúc đáp. Ngoài những yêu cầu về chuyên môn, Chi cục cũng đề nghị chúng tôi liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương để được hướng dẫn, xây dựng chuồng trại nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định, quy chuẩn quốc gia, quốc tế, kiểm soát tốt dịch bệnh đảm bảo an toàn, không lây lan dịch bệnh. Thế nhưng công ty vẫn không nhận được phản hồi của UBND huyện Củ Chi về vấn đề này” - bà Ngân nói.
Nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Bà Ngân cho biết, ngay sau khi xây dựng các công trình nói trên, Công ty Phúc Lộc Phát đã bị UBND xã Trung An và UBND huyện Củ Chi kiểm tra và xử phạt. Cụ thể, ngày 13/7/2023, UBND huyện Củ Chi đã ban hành Quyết định 8207/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Dựa theo quyết định này, bà Trần Thị Ngân bị phạt số tiền 6,5 triệu đồng do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: “Chuyển từ đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 ha đến 0,05ha” với diện tích vi phạm là 374,1m2, tại thửa đất số 718, tờ bản đồ số 20, bộ địa chính xã Trung An.
Bên cạnh việc xử phạt hành chính, bà Ngân còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
“Nếu thực hiện theo Quyết định xử phạt của UBND huyện Củ Chi, thì tôi bắt buộc phải tháo dỡ hết phần diện tích khu cách ly. Như vậy, công ty sẽ không thực hiện đúng các quy trình cách ly khỉ trước khi xuất khẩu theo quy định của Viện Vệ sinh dịch tễ cũng như Cục Thú y và Y tế dự phòng. Điều này sẽ khiến công ty chúng tôi không thực hiện được hợp đồng xuất khẩu 1.000 con khỉ sang Trung Quốc. Như vậy, công ty sẽ sẽ bị thiệt hại nặng nề về kinh tế do phải đền bù hợp đồng cho đối tác, công ty sẽ phá sản” - bà Ngân trần tình.
Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, bà Ngân cũng thừa nhận, việc xây dựng, sửa chữa một số hạng mục công trình khi chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương là việc làm sai, bà không dám có ý kiến. Thế nhưng, đứng trên góc độ người làm doanh nghiệp, bà mong muốn chính quyền UBND huyện Củ Chi có sự quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế trong giai đoạn khó khăn này.
Để làm rõ những phản ánh của bà Ngân, báo Kinh tế & Đô thị đã liên hệ UBND xã Trung An và UBND huyện Củ Chi. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Nhân – Chủ tịch UBND xã Trung An cho biết, sẽ xem xét nội dung phản ánh của Công ty Phúc Lộc Phát để sớm thông tin đến báo chí.
Về phía UBND huyện Củ Chi, khi chúng tôi liên hệ, bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, vụ việc của Công ty Phúc Lộc Phát do ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi họp nhiều lần để giải quyết. Vì vậy, ông Phong sẽ phụ trách phản hồi.
Hiện báo Kinh tế & Đô thị đang đợi phản hồi từ phía UBND xã Trung An và UBND huyện Củ Chi để tiếp tục thông tin về vụ việc.
Thanh tra Chính phủ chuyển đơn của bà Trần Thị Ngân đến Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh
Ngày 11/8, Thanh tra Chính phủ ban hành văn bản 2745/BTCDTW-XLĐ, về việc chuyển nội dung đơn của công dân Trần Thị Ngân đến Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh để chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, trả lời công dân theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ cho biết, nhận được đơn của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Phúc Lộc Phát, do bà Trần Thị Ngân - Giám đốc ký, với nội dung liên quan đến việc UBND huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh ra Quyết định số 8207/QĐ-XPVP ngày 13/7/2023 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Phúc Lộc Phát (chuyên nuôi và sinh sản khi đuôi dài xuất khẩu theo CITES quốc tế), gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của Công ty.
Sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ theo quy định của pháp luật, Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, Quy định việc tiếp nhận, xử lý đơn thư của cơ quan Thanh tra Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 731/QĐ-TTCP ngày 31/12/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chuyển đơn của bà Trần Thị Ngân và tài liệu gửi kèm đến Chủ tịch UBND Hồ Chí Minh để chỉ đạo xem xét, giải quyết, trả lời đơn theo quy định pháp luật. Đề nghị thông báo kết quả đến Thanh tra Chính phủ.