Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính quyền Mỹ sẽ cắt giảm mạnh tiền lương, thưởng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo CNN, mới đây giám đốc Ngân hàng Mỹ Ken Lewis đã tuyên bố sẽ không nhận lương, thưởng của năm 2009.

KTĐT - Theo CNN, mới đây giám đốc Ngân hàng Mỹ Ken Lewis đã tuyên bố sẽ không nhận lương, thưởng của năm 2009.

Chính quyền Mỹ sẽ cắt giảm rất mạnh tiền lương, thưởng của giới lãnh đạo các tập đoàn Mỹ đang sống nhờ tiền cứu trợ của chính phủ.

CNN dẫn lời một quan chức Nhà Trắng tiết lộ trong vài ngày tới, Bộ Tài chính sẽ buộc mỗi tập đoàn trong số bảy tập đoàn nhận nhiều tiền cứu trợ nhất phải cắt giảm 90% mức lương hằng năm và 50% mức thưởng dành cho 25 lãnh đạo - tổng cộng 175 người - được trả hậu hĩ nhất trong thời gian qua.

CNN cho biết bảy tập đoàn này bao gồm Ngân hàng Mỹ (Bank of America), AIG, Citigroup, General Motors, GMAC, Chrysler và Chrysler Financial. Các tập đoàn này đã nhận tổng cộng 240 tỉ USD tiền cứu trợ, chiếm hơn 50% tổng số tiền mà Chương trình giải cứu nợ xấu (TARP) của Washington đã chi ra.

Ngoài ra, các quan chức của bảy tập đoàn này nếu muốn nhận những lợi ích đặc biệt có giá trị hơn 25.000 USD, ví dụ như thẻ thành viên câu lạc bộ, đi máy bay riêng và ôtô của tập đoàn... sẽ phải xin phép Bộ Tài chính.

Theo nhiều nguồn tin, quyết định này sẽ ảnh hưởng nặng nhất đối với Hãng bảo hiểm AIG. Ở bộ phận sản phẩm tài chính của AIG, bộ phận thực hiện nhiều cuộc giao dịch mạo hiểm từng đẩy AIG đến bờ vực của sự sụp đổ, sẽ không một nhân viên nào được nhận quá 200.000 USD/năm tiền lương, thưởng. Trước đó, AIG dự định trả cho giám đốc mới Robert Benmosche 7 triệu USD trong năm 2009 và thưởng cho các nhân viên bộ phận sản phẩm tài chính 198 triệu USD. Bộ Tài chính sẽ yêu cầu AIG cắt giảm tối đa mức thưởng này.

Từ chối lương, thưởng nhờ gợi ý...

Theo CNN, mới đây giám đốc Ngân hàng Mỹ Ken Lewis đã tuyên bố sẽ không nhận lương, thưởng của năm 2009. Chính ông Kenneth Feinberg, quan chức Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề lương, thưởng của các tập đoàn, đã “gợi ý” để ông Lewis đưa ra quyết định trên.

Trước đó, rất nhiều người Mỹ đã nổi giận khi nghe tin ông Lewis sẽ nhận khoản lương hưu khổng lồ 53 triệu USD khi về hưu cuối năm nay, dù Ngân hàng Mỹ đang làm ăn thua lỗ.

Mức lương của ông Lewis ở Ngân hàng Mỹ là 1,5 triệu USD/năm, nhưng trong ba năm qua ông đã kiếm được tới 63 triệu USD từ tiền thưởng và trợ cấp đặc biệt.

Một số chuyên gia về lương, thưởng của giới lãnh đạo Phố Wall mô tả quyết định của Bộ Tài chính Mỹ là “chưa từng thấy”.

Báo Los Angeles Times dẫn lời ông Jim Reda, người sáng lập Hãng tư vấn về lương, thưởng James F. Reda & Associates: “Những con số này thật tàn nhẫn. Giảm lương, thưởng kiểu này là chưa từng xảy ra kể cả ở các hãng đã phá sản”.

Ông Lee Fensterstock - giám đốc Ngân hàng đầu tư Broadpoint Gleacher Securities - cho rằng bảy tập đoàn trên sẽ gặp khó khăn bởi các nhân sự cấp cao có thể bỏ sang những nơi khác không có hạn chế về lương thưởng, còn “những người ở lại sẽ thất vọng bởi việc tái xây dựng công ty không tạo ra lợi nhuận như mong muốn”.

Tuy nhiên, Los Angeles Times dẫn lời bà Nell Minow thuộc Hãng nghiên cứu Corporate Library khẳng định đây là quyết định xứng đáng giúp phục hồi sự công bằng. Bà Minow cho rằng với việc hạn chế mức lương, thưởng, bảy tập đoàn sẽ phải nỗ lực trả lại tiền cứu trợ cho nhà nước.

“Tôi nghĩ mọi người sẽ đều hạnh phúc nếu tiền thuế của dân được trả lại để đầu tư vào các lĩnh vực khác”. Trên các trang mạng xã hội như Facebook hay MySpace, nhiều người dân Mỹ hoan nghênh sự mạnh tay của chính quyền Washington. “Thật chính xác - Jeremy Schleicher, một người sử dụng Facebook, nhận xét - Nếu chúng ta đang bị cắt lương và cuộc sống đảo lộn thì họ (các quan chức tập đoàn) cũng đáng bị như vậy. Các ngân hàng đã gây ra khủng hoảng và giờ là lúc họ phải nếm trải nỗi đau”.