Chính quyền thuộc địa Pháp với nông nghiệp Việt Nam

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người Pháp biết rất rõ tiềm năng nông nghiệp của Việt Nam nên ngay từ đầu, trong chính sách khai thác thuộc địa, đã chủ trương đầu tư vào lĩnh vực này.

Chủ trương này đã làm đổi diện mạo nông nghiệp Việt Nam, đem lại cho người Pháp lợi nhuận kếch xù nhưng cũng gây ra nhiều đau khổ cho người nông dân Việt Nam.

Chiếm đoạt đất đai, phát triển kinh tế đồn điền

Đó là mục đích chính trị lâu dài và là chính sách khai thác thuộc địa của người Pháp ở Việt Nam. Từ cuối thế kỷ XIX, ngay cả khi chưa bình định xong thì họ đã bằng nhiều thủ đoạn chiếm đoạt đất đai để lập đồn điền.

Cảnh khổ cực của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Ảnh tư liệu
Cảnh khổ cực của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Ảnh tư liệu

Năm 1897, họ buộc triều đình Huế ký điều ước nhượng quyền khai khẩn đất hoang. Ngày 1/5/1900, chính quyền thực dân ra nghị định phủ nhận quyền sở hữu ruộng đất trong luật pháp phong kiến để dễ cướp đoạt ruộng đất của nông dân. Họ sử dụng khái niệm “đất hoang“, “đất vô chủ” đối với đất đai của nông dân đã bị họ đuổi đi để chiếm đoạt.

Ở Nam Kỳ, họ tổ chức nông dân vét sông, đào mương, khai khẩn thành ruộng rồi chiếm đoạt bằng hình thức mua của Nhà nước với giá rẻ mạt (80 đồng/1.000ha ruộng, tức là 192 franc năm 1900), hoặc được nhà nước cấp không.

Ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, ruộng đất của những người tham gia các phong trào chống Pháp đều bị coi là vô chủ để mặc nhiên chiếm đoạt.

Từ năm 1886, mỗi người Pháp có thể được cấp không quá 10ha để làm nông mỗi lần xin. Nhưng từ các Nghị định ra ngày 6/10/1889 và ngày 15/10/1890 thì người Pháp được quyền xin và được cấp mỗi lần không quá 500ha. Do đó, đất đai bị chiếm đoạt ngày càng tăng một cách nhanh chóng. Năm 1890, cả nước bị chiếm 10.900ha, năm 1900 là 301.000ha.

Năm 1901, người Pháp lập được 244 đồn điền, phần lớn trồng lúa, ngoài ra có cao su, cà phê, chè và chăn nuôi gia súc. Rừng cũng bị họ chiếm đoạt để lập những khu lâm khẩn.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, quy mô và tốc độ tập trung đất đai càng phát triển. Các đồn điền mới ngày càng nhiều, đặc biệt là đồn điền trồng cao su.

Tính đến năm 1930, tổng số ruộng đất bị người Pháp chiếm đoạt đã lên đến 1,2 triệu ha. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phát triển và giữ vai trò ngày càng quan trọng của kinh tế đồn điền ở Việt Nam thời thuộc Pháp.

Củng cố và phát triển hệ thống thủy nông

Nhằm phục vụ trực tiếp cho hoạt động quân sự và mở mang khai thác nông nghiệp thuộc địa, chính quyền thực dân đã quan tâm đến việc củng cố và phát triển hệ thống thủy nông và giao thông đường thủy.

Ở Nam Kỳ, từ năm 1867, họ thành lập một ủy ban thuộc Soái phủ Sài Gòn để nghiên cứu và tổ chức việc nạo vét, mở rộng hệ thống kênh rạch. Năm 1875, họ tiếp tục thành lập ủy ban thường trực về việc hoàn chỉnh hệ thống đường thủy từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây.

Từ năm 1880 - 1890, tổng cộng đã đào được 2,1 triệu m3 đất kinh rạch, tăng được 169.000ha đất canh tác so với thời Nguyễn.

Năm 1895 - 1897, Tổng đốc Trần Bá Lộc được chính quyền thực dân cho tự đầu tư đào kênh Tổng Đốc Lộc dài 45km, rộng 10m.

Quá trình đào kênh ở Nam bộ có sự chuyển biến lớn khi Paul Doumer làm Toàn quyền Đông Dương (1897 - 1902). Ngày 8/9/1900, một hội đồng gồm các kỹ sư công chính, các tỉnh trưởng, đại diện các điền chủ người Pháp được thành lập để hoạch định chương trình đào kênh cho đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1901, thành lập Công ty đào sông và các việc công chính Đông Dương.

Từ chương trình này, hàng loạt kênh cũ được nạo vét, kênh mới được đào thêm để có diện mạo hệ thống cơ bản như ngày nay. Đặc biệt, từ đây diện tích canh tác đã được tăng lên rất nhiều. Riêng kênh Rạch Giá - Hà Tiên hoàn thành năm 1929 đã mở rộng khai thác trên 220.000ha của khu tứ giác Long Xuyên.

Ở Bắc Bộ và Trung Bộ, việc xây dựng, khai thác thủy lợi của Pháp bắt đầu muộn hơn, chỉ từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914).

Đến năm 1930, ở Bắc và Trung Bộ, Pháp mới chỉ đầu tư xây dựng và cải tạo 5 công trình thủy nông với tổng diện tích tưới thiết kế là 118.500ha. Cho đến năm 1945, các công trình thủy nông ở Bắc Bộ có công suất thiết kế tưới tiêu, hoặc ngăn mặn cho 298.000ha, ở Trung Bộ, các công trình tưới là 124.000ha.
Tuy còn hạn chế nhưng các công trình thủy lợi đã khai thác, đưa vào canh tác các vùng đất rộng lớn và quy tụ dân cư ở Nam Bộ, nâng cao hiệu quả sử dụng ruộng đất ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Thay đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi

Với mục tiêu khai thác lợi nhuận từ nông nghiệp, ngay từ đầu người Pháp đã chú trọng làm thay đổi nền nông nghiệp vốn chủ yếu chuyên canh cây lúa. Khi mới thôn tính ba tỉnh miền Đông, ngày 23/3/1864, người Pháp đã xây dựng Vườn Bách Thảo tại Sài Gòn để làm nơi nuôi thú và ươm cây, nghiên cứu và thực nghiệm di thực giống mới vào Việt Nam. Một số vườn ươm ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ cũng được thiết lập.

Người Pháp đã thành lập Viện khảo sát nông lâm Đông Dương (IRAFI), Túc mễ Đông Dương; Xây dựng một số cơ sở thí nghiệm về hóa học nông nghiệp, côn trùng học, thổ nhưỡng học ở cả ba miền… Từ đó một số giống cây trồng mới như cao su, cà phê, khoai tây, vú sữa, mía Indonesia, Ấn Độ, giống cam, quýt của Bắc Phi, Địa Trung Hải; khoai tây Pháp… đã được di thực vào Việt Nam, thực nghiệm và đưa ra trồng đại trà. Nhiều giống gia súc mới cũng được nhập vào như ngựa, cừu, bò sữa, gà tây…

Họ còn áp dụng nhiều kỹ thuật nông nghiệp của châu Âu như đưa phân bón hóa học vào sản xuất, nhất là ở các đồn điền trồng cây công nghiệp; Đưa vào một số nông cụ cầm tay của người Âu như cuốc, xẻng, xà beng, cưa tay… Đặc biệt, họ đã trang bị một số động cơ hơi nước, động cơ nổ, máy kéo, tàu cuốc.

Nhờ có thủy lợi và vận dụng kỹ thuật mới, năng suất lúa trung bình trên toàn xứ Đông Dương đã tăng gấp 5 lần (từ 2,3 tạ/ha lên 10,7 tạ/ha) so với cuối thế kỷ XIX.

Diện tích trồng cao su ở các đồn điền cũng tăng từ 18.000ha năm 1925 lên 27.328ha năm 1937 và 133.000ha năm 1942. Sản lượng và diện tích trồng cao su của Đông Dương vào hàng thứ 2 thế giới. Tiếp đến là cây cà phê với tổng diện tích khoảng 10.000ha, cây chè khoảng 26.000ha, cây thuốc lá khoảng 11.950ha (năm 1938). Ngoài ra còn có các đồn điền trồng trồng mía, dừa, lạc, thầu dầu, dâu, hạt tiêu… Các đồn điền chăn nuôi được xây dựng, riêng ở Bắc Kỳ, sau chiến tranh thế giới I, có 98 đồn điền, diện tích gần 155.000ha, nuôi khoảng 30.000 con gia súc.

Nền nông nghiệp cổ truyền độc canh cây lúa của Việt Nam đã thay đổi, nhiều loại cây công nghiệp dài ngày, nhiều giống gia súc mới đã xuất hiện và đem lại hiệu quả cao.

Chuyển đổi tính chất của nền nông nghiệp

Từ nhiều chính sách khuyến khích phát triển, nhất là kinh tế đồn điền, tính chất của nền nông nghiệp đã dần thay đổi. Quy mô tập trung đất đai ngày càng lớn, sản phẩm dành cho xuất khẩu ngày càng nhiều và chiếm giữ vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế.

Về sản lượng lúa, tính riêng năm 1913, cả nước thu hoạch khoảng 3.818.000 tấn lúa, trong đó 1.286.804 tấn đem đi xuất khẩu. Trong những năm 20, lúa đạt từ 60 - 70% giá trị xuất khẩu. Năm 1880, sản lượng gạo xuất khẩu là 240.000 tấn thì đến năm 1928 đã lên 1.700.000 tấn, số lượng xuất khẩu gạo trong thập niên 20 tăng 26%, Việt Nam trở thành nước cung cấp gạo lớn thứ hai cho thị trường thế giới. Việt Nam cũng trở thành nhà xuất khẩu ngô thứ hai thế giới.

Ngành kinh tế cao su ở Đông Dương chủ yếu là ở Việt Nam phát triển đã đưa lượng cao su xuất khẩu năm 1939 tăng gấp 7 lần năm 1928, giá trị xuất khẩu năm 1929 là 11.000.000 franc đến năm 1939 tăng lên 96.000.000 franc; tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Đông Dương: năm 1936 chiếm 14,3%, năm 1937: 18%, năm 1938: 21,4%, năm 1939 lên tới 27,4%. Xuất khẩu cao su đã góp phần cho cán cân ngoại thương ở Việt Nam có thặng dư lớn.

 

Chủ nghĩa tư bản Pháp xuất hiện, thể hiện rõ nhất là kinh tế đồn điền đã dẫn đến sự phá vỡ kết cấu kinh tế nông nghiệp truyền thống đi liền với xuất hiện và ngày càng mở rộng các thành phần kinh tế mới tư bản chủ nghĩa.

Sự thay đổi về kinh tế, biến đổi về giáo dục, văn hóa… đã trở thành tiền đề để xuất hiện các giai cấp công nhân, tư sản, tầng lớp trí thức tiểu tư sản trong xã hội Việt Nam. Do bị thực dân Pháp áp bức bóc lột, mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn dân tộc ngày càng sâu sắc đã tạo nên sự chuyển biến tư tưởng để hình thành nên các tổ chức, phong trào yêu nước và cách mạng trong nửa đầu thế kỷ XX.