Mỗi năm 1 lần đi điều dưỡng- cùng trở về ngôi nhà chung
Những ngày tháng 7 – kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023), tại các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công, trung tâm điều dưỡng người có công trên địa bàn Hà Nội rộn rã tiếng cười vui cùng những hoạt động chăm lo sức khỏe, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho người có công và thân nhân liệt sĩ.
Là trưởng đoàn 80 người có công và thân nhân liệt sĩ huyện Sóc Sơn đang đi điều dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội, bệnh binh 2 Nguyễn Đức Thuật cho biết: Lần thứ ba tôi đến Trung tâm và mỗi lần đến thì thấy cơ sở hạ tầng khang trang hơn, phòng ốc tiện nghi tương đối đầy đủ. Việc sắp xếp chỗ ăn, ở rất khoa học, thuận lợi cho mọi người đi lại và đồ ăn hợp khẩu vị, chế biến ngon. Từ Ban giám đốc đến cán bộ, nhân viên đều vui vẻ, niềm nở, tiếp đón chúng tôi rất thân tình và có ý thức trách nhiệm công việc rất cao.
Tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội, với khoảng rộng không gian xanh, những người có công chơi cờ tướng, ngắm vườn cây, ao cá. Ở các khu trong nhà, người có công được vật lý trị liệu, ngâm chân thuốc Bắc, thăm khám và tư vấn sức khỏe... Bác Nguyễn Văn Kiêu là nạn nhân da cam, Trưởng đoàn người có công đến từ huyện Mỹ Đức, chia sẻ: Sau thời gian dài phòng chống dịch Covid-19, năm nay, Đoàn Mỹ Đức có 159 người có công và thân nhân liệt sĩ đi điều dưỡng đông hơn các lần trước. Những ngày điều dưỡng ở Trung tâm, chúng tôi tham gia nhiều hoạt động tăng cường sức khỏe, đi trải nghiệm bên ngoài nên ai nấy đều vui vẻ, tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt.
Điều đặc biệt, từ năm nay người có công và thân nhân liệt sĩ được thụ hưởng chính sách đặc thù riêng có của TP Hà Nội được quy định tại Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của HĐND TP. Đó là, theo quy định của Trung ương tổ chức luân phiên 2 năm 1 lần đi điều dưỡng cho các đối tượng người có công và thân nhân liệt sĩ; thì từ năm 2023, TP Hà Nội bố trí kinh phí để người có công và thân nhân liệt sĩ được đi điều dưỡng mỗi năm 1 lần. Ngoài ra, đối tượng đi điều dưỡng được nhận hỗ trợ tiền khám sức khỏe 1.000.000 đồng/người/năm. “Những người tham gia chiến trường trở sức khỏe yếu, lại mang trên người vết thương. Khi được TP hỗ trợ 1 triệu đồng, chúng tôi rất phấn khởi và xúc động, sẽ dùng tiền để mua thuốc bồi bổ sức khỏe. Chúng tôi cảm ơn TP Hà Nội đã có chính sách đặc thù, thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với người có công” – ông Nguyễn Văn Kiêu cho hay.
Công tác điều dưỡng ngày càng chuyên nghiệp
Thực hiện công tác điều dưỡng người có công năm 2023, ngay từ tháng 1, Sở LĐTB&XH Hà Nội, đã có hướng dẫn các đơn vị triển khai. Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Đinh Hồng Phong cho biết, các trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch, lịch trình, chương trình cụ thể của từng đợt điều dưỡng. Đồng thời, xây dựng thực đơn, lịch trình điều dưỡng phù hợp với đặc điểm của các quận, huyện, thị xã và nhu cầu của đối tượng. Chất lượng các bữa ăn được cải thiện, cách trình bày và trang trí mâm cơm được chú trọng; phòng nghỉ được trang bị đầy đủ các vật dụng thiết yếu, đảm bảo ngăn nắp, sạch sẽ.
Các đối tượng đến điều dưỡng được Trung tâm kiểm tra sức khỏe ban đầu, chăm sóc, theo dõi, điều trị đối với các bệnh lý thông thường, lập chế độ ăn kiêng theo bệnh lý, cấp phát thuốc bổ, điều trị bằng thuốc đông y kết hợp vật lý trị liệu. Cùng với đó là được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp…
Chia sẻ về công tác điều dưỡng ngày càng chuyên nghiệp, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội Chu Đình Điệp cho hay: Năm nay Trung tâm được giao điều dưỡng 3.700 người có công của 2 nguồn TP và Trung ương. Chúng tôi đã tập huấn, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy sục, tắm sục, đồ bếp, thang máy,… phun thuốc muỗi, cắt cây tỉa cành, tạo môi trường cảnh quan. Nguồn thực phẩm được nhập từ các nhà cung cấp đảm bảo an toàn, có nguồn gốc xuất xứ.
Nét mới năm nay, Trung tâm xây dựng quy trình đón tiếp mỗi đợt 7 ngày, lịch hoạt động cụ thể tới từng giờ. Khi mỗi đợt kết thúc, Trung tâm đều có tổng kết đánh giá, nếu người có công có ý kiến góp ý thì rút kinh nghiệm để công tác phục vụ điều dưỡng ngày càng tốt hơn.
Năm nay, Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội chọn chủ đề Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người có công. Bởi thực tế, những năm qua Covid-19 nên có ảnh hưởng tới sức khỏe người cao tuổi. “Trước đây, trong quá trình điều dưỡng, người có công có thể tham gia các hoạt động dã ngoại thì năm nay Trung tâm chú trọng vào chăm sóc sức khỏe. Trung tâm tổ chức thăm khám, xây dựng bệnh án, sau đó tổ chức các hoạt động hàng ngày (ngâm chân, tắm sục, ngồi trên máy massa, luyện tập trị liệu, thể dục thể thao) và tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho người có công” - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Nguyễn Văn Triệu chia sẻ.
Với việc thực hiện công tác điều dưỡng ngày càng chuyên nghiệp cũng như chính sách đặc thù của TP dành cho người có công là sự động viên khích lệ rất lớn, cũng như có thêm kinh phí để họ chăm sóc bản thân, sống lâu sống khỏe, tiếp tục các hoạt động giúp ích cho quê hương đất nước.