Đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ công trên GDP giảm được khoảng 7% GDP so với 2016. Qua đó, Chính phủ có thể nâng tổng cầu trong ngắn hạn cũng như tổng cung trong dài hạn bằng cách chi tiêu nhiều hơn và tốt hơn. Trong một bối cảnh kinh tế dễ tổn thương như hiện tại, chi tiêu công cần cải thiện mạnh mẽ để đạt hiệu quả phân bổ, và tránh tối đa thất thoát.
Tác động tích cực của gói kích thích tài khóa chỉ có thể được tối đa hóa nếu các cấp có thẩm quyền có khả năng lựa chọn những dự án đem lại tác động số nhân lớn nhất cho việc làm và cho toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh đó, để tiếp tục kích cầu, động thái chính sách tài khóa cũng cần hỗ trợ khéo léo cho khu vực tư nhân, bao gồm cả các hộ kinh doanh cá thể, thông qua kết hợp giữa giãn thuế và hỗ trợ tài chính.
Để hạn chế lây lan dịch bệnh, Việt Nam đã áp dụng các dịch vụ không đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp (học tập trực tuyến, thương mại điện tử, chính phủ điện tử, khám chữa bệnh từ xa), đồng thời tiếp tục triển khai hệ thống thanh toán công nghệ số. Cải tiến này không chỉ giúp đáng ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ có chất lượng của tầng lớp trung lưu mới nổi, mà còn cải thiện được năng lực cạnh tranh của quốc gia nhờ giảm chi phí giao dịch cho cả khu vực công và khu vực tư nhân.
Việt Nam tạo đà phục hồi thông qua xuất khẩu gạo (và nông phẩm khác) đến ngày càng nhiều quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực. Tăng cường xuất khẩu nông sản chính ngạch đến các thị trường lớn và ổn định. Đầu tư dây chuyền thiết bị, khoa học công nghệ trong bảo quản và chế biến hàng hóa nhằm mục đích vừa mang lại giá trị gia tăng cao vừa tránh thất thoát doanh thu do hư hỏng hàng hóa nông sản. Tăng cường hệ thống logistics trong nước để vừa đảm bảo khả năng bảo quản hàng hóa vừa giảm thời gian lưu thông hàng hóa hao phí.
Cùng với đó, Việt Nam đã tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước. Để giảm chi phí du lịch cho lữ khách, các địa phương xem xét phương án giảm 50% chi phí tham quan di tích danh lam thắng cảnh, nghiên cứu miễn phí cấp thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam . Đối với các doanh nghiệp du lịch đã mất nguồn thu lớn trong mùa cao điểm và có thể cần thêm nhiều thời gian mới vực lại được cần có sự hỗ trợ tài chính từ phía Chính phủ như: miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch; giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể; giảm tiền thuế đất, tiền thuê sử dụng đất và cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế đất, tiền thuê đất nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh.
Triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch - nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí.
Các nhà quan sát có xu hướng nhấn mạnh thực tế rằng Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc vào thương mại, với tỷ lệ thương mại trên GDP cao thứ hai trong Đông Nam Á. Tuy nhiên, Việt Nam, với thị trường 100 triệu dân, còn rất nhiều dư địa để phát triển, miễn là đại dịch được kiểm soát tốt trong nước. Cách duy nhất để tiến về phía trước là giúp các doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân - vượt qua khủng hoảng và tiếp tục hoạt động.
Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn với gần 100 triệu dân, trong đó chiếm phần đông là giới trẻ, ưa chuộng tiêu dùng trực tuyến. Ước tính, khi thị trường gia tăng quy mô lên đến 25 tỷ USD vào năm 2025, các nền tảng mua bán trực tuyến sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng thị trường này theo hướng ngày càng chuyên sâu, tìm kiếm giải pháp mới cho người dùng, giúp khách hàng mua hàng nhanh chóng với dịch vụ tốt hơn, như công cụ so sánh giá, giúp người bán hàng kinh doanh dễ dàng hơn như tự động hóa bán hàng, quản lý hàng tồn kho...
Để vực dậy cả nền kinh tế đang lao đao do đại dịch Covid-19, cần sự can thiệp mạnh mẽ từ Chính Phủ bằng các công cụ kinh tế vĩ mô và sự tự cân bằng, điều chỉnh của bàn tay vô hình của thị trường. Theo nhận định của 2 tờ báo uy tín là Financial và The Washington Post: “Một chút may mắn kết hợp với hoạch định chính sách hiệu quả đã giúp Việt Nam thành công trong lĩnh vực kinh tế. Và theo dự báo năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới”.