Chính sách hỗ trợ ngư dân chậm vào cuộc sống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một phần nội dung trong Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày tại Quốc hội ngày 11/6.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản và dành khoản kinh phí 4.500 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ. Chính sách tín dụng ưu đãi được áp dụng đối với ngư dân đóng tàu công suất lớn cả về thời hạn vay và lãi suất. Đến nay, đã có 23/28 tỉnh, TP ven biển phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn với 818 tàu từ 400 CV trở lên. Tuy nhiên, các ngân hàng mới cho vay để đóng mới, nâng cấp 52 tàu với tổng số tiền 525 tỷ đồng và cho vay vốn lưu động đối với 89 khách hàng tại 7 tỉnh với số tiền 24 tỷ đồng.

Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ năm 2010 đến nay, Nhà nước đã đầu tư 1.867.630 triệu đồng xây dựng, cải tạo 19 cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão. Các địa phương cũng đã tích cực huy động nguồn vốn để đầu tư cải tạo cảng cá, bến cá do địa phương quản lý. Tuy vậy, theo Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền, việc đầu tư vốn xây dựng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa kịp thời, vẫn còn dàn trải, thiếu đồng bộ, hiệu quả đầu tư không cao. Đơn cử, cảng cá và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ (Quảng Ngãi), vốn đầu tư 107 tỷ đồng nhưng đầu tư kéo dài đến nay đã 6 năm vẫn chưa hoàn thành hay vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn với tổng số vốn đầu tư 401 tỷ đồng, sau 3 năm mới đầu tư 98,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc xác định, giám định giá dự toán đóng tàu để làm cơ sở cho việc quy định mức vay còn gặp khó khăn nên triển khai thực hiện còn chậm. Quy định nâng cấp tàu cá có công suất 400 CV trở lên phải thay máy mới thì mới được hỗ trợ lãi suất là chưa phù hợp thực tế, chưa khuyến khích ngư dân đầu tư trang thiết bị để nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản sản phẩm. Việc quy định vốn đối ứng quá cao đối với chủ tàu được vay vốn gây khó khăn cho ngư dân khi tiếp cận tín dụng ưu đãi. Đặc biệt, công tác triển khai thiết kế chi tiết đối với các tàu cụ thể theo 21 thiết kế mẫu đã được công bố chưa phù hợp với thực tế, ngư dân phải sửa đổi cho phù hợp với ngư trường, tập quán nhưng chi phí sửa đổi thiết kế chưa được hỗ trợ.