Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động: Chữa bệnh “sợ sai”

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo mới đây của Bộ LĐTB&XH đã cho thấy tiến độ giải ngân chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động vẫn còn rất chậm.

Qua những con số đáng buồn đó, dư luận đang đặt câu hỏi vì sao một chính sách hết sức đúng đắn, nhân văn của Chính phủ lại triển khai “giậm chân tại chỗ”?

Người lao động đang làm việc tại Công ty CP Công nghiệp thương mại Sông Đà (TP Hà Nội) vui mừng khi được nhận kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà tháng 4/2022. Ảnh: Trần Oanh
Người lao động đang làm việc tại Công ty CP Công nghiệp thương mại Sông Đà (TP Hà Nội) vui mừng khi được nhận kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà tháng 4/2022. Ảnh: Trần Oanh

Sau hơn 3 tháng triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính, cả nước có 45 địa phương thực hiện giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 357 tỷ đồng.

Bình Dương là một trong những địa phương có số lao động đủ điều kiện được hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg nhiều nhất cả nước. Thế nhưng, tiến độ giải ngân gói hỗ trợ này vẫn còn quá chậm. Toàn tỉnh có đến 820.000 lao động đủ điều kiện làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà nhưng đến nay mới có 1.000 người được hưởng chính sách này. Nghĩa là con số nhận được hỗ trợ là quá thấp so với số lao động đủ điều kiện cũng như số công nhân gặp khó khăn có nhu cầu được hỗ trợ.

Đã 3 tháng trôi qua, kể từ ngày nộp hồ sơ, nhiều công nhân vẫn khắc khoải chờ nhận tiền hỗ trợ. Có đem thắc mắc đi hỏi các cấp trên thì người lao động vẫn chỉ nhận được câu trả lời từ DN: Hồ sơ đã chuyển, còn tiền chi trả là do tỉnh. Nguyên nhân của sự chậm trễ này được Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho rằng một số DN “sợ sai” nên rất cẩn trọng khi làm thủ tục, lập danh sách và nộp BHXH còn chậm.

Cũng chính vì sợ sai nên nhiều địa phương còn “đẻ” thêm thủ tục so với quy định: Trong quy định chỉ cần xác nhận của chủ nhà trọ nhưng nhiều nơi yêu cầu cả xác nhận của chính quyền địa phương, xã, phường. Rồi nhiều tỉnh, thành thiếu linh động, khi nhận được hồ sơ đề nghị của người lao động theo từng đợt vẫn không giải quyết mà đợi đủ hồ sơ của tất cả người lao động trong công ty thì mới giải ngân một lần.

Trong khi đó, rất nhiều công nhân khó tiếp cận được chủ nhà trọ để xin xác nhận hoặc có nhiều chủ nhà trọ không hợp tác. Vậy nên, một công nhân chưa đủ thủ tục sẽ kéo theo tất cả người lao động ở DN đó phải chờ.

Có thể thấy rằng, hơn 2 năm qua, do dịch Covid-19, công việc và thu nhập của người lao động bấp bênh. Hiện nay, vẫn còn nhiều DN gặp khó do thiếu đơn hàng nên công nhân chỉ làm giờ hành chính và nhận mức lương cơ bản. Một số DN thậm chí còn cho công nhân nghỉ không lương từ 2 - 3 tháng. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết người lao động rất cần khoản tiền ý nghĩa này để được đồng nào quý đồng đó.

Để chữa bệnh “sợ sai”, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 4379/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân, có giải pháp đẩy nhanh việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Về phía Bộ LĐTB&XH cũng đã có yêu cầu các DN khẩn trương thực hiện việc lập và nộp danh sách. Cùng với đó, Bộ LĐTB&XH đề nghị tổ chức Công đoàn phối hợp đẩy mạnh, đôn đốc các DN lập danh sách để phê duyệt. Hy vọng với động thái tích cực này từ Chính phủ đến cơ quan cấp Bộ sẽ sớm giải quyết được những vướng mắc để người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc, hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, giữ chân lao động để phục vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần