Nghỉ việc vẫn được hưởng nguyên lương
Ngày 14/6, tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến “Chính sách mới về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội” do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Đan Phượng tổ chức đã thu hút gần 300 đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động tham gia.
Tại đây, nhiều đoàn viên, người lao động quan tâm đến chế độ nghỉ phép, nghỉ ốm, xin nghỉ việc vẫn được hưởng nguyên lương. Về nội dung này, Luật sư Đặng Văn Thành – Đoàn Luật sư TP Hà Nội phản hồi:
Căn cứ Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì hàng năm được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động, như sau:
Nghỉ 12 ngày làm việc đối với người lao động làm công việc trong điều kiện bình thường.
Nghỉ 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Nghỉ 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hàng năm tính theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
Bên cạnh những ngày nghỉ trên, người lao động còn được nghỉ 11 ngày Lễ, Tết.
Ngoài ra, Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong các trường hợp sau: Kết hôn: Nghỉ 3 ngày. Con đẻ, con nuôi kết hôn: Nghỉ 1 ngày. Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chống chết; vợ chết hoặc chống chết; con chết: Nghỉ 3 ngày.
Người lao động được nghỉ không hưởng lương 1 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi có ông nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
Ngoài những trường hợp nghỉ việc riêng có hưởng lương thì người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ việc không hưởng lương. Theo đó, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để thống nhất số ngày nghỉ việc không hưởng lương, mà hiện nay pháp luật không có quy định hạn chế về số ngày nghỉ tối đa.
Hai trường hợp được nghỉ hưu sớm
Chia sẻ về trường hợp nghỉ hưu sớm, bà Dương Thị Minh Châu – Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho biết, hiện nay có 2 trường hợp có thể về nghỉ hưu sớm:
Thứ nhất là trường hợp giám định sức khỏe, người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định, khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81% có thể nghỉ hưu sớm.
Mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội. Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm và năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp người lao động nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng, mức giảm là 1%; từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
Thứ hai là nghỉ theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP Quy định về tinh giản biên chế. Theo đó, đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế là cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức theo quy định của Chính phủ.
Đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.
Vợ sinh con, chồng được hưởng chế độ thai sản
Theo quy định, hiện nay không chỉ lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản mà lao động nam cũng được hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con. Chuyên gia Dương Thị Minh Châu cũng chia sẻ về việc lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản:
Nghỉ 5 ngày làm việc khi vợ sinh thường;
Nghỉ 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc;
Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian chồng nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Nếu trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha sẽ được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.