Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp: Minh bạch để tránh tiêu cực

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù nguồn cung nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho người thu nhập thấp luôn trong tình trạng khan hiếm nhưng lại xảy ra tiêu cực khi rất nhiều đối tượng được thụ hưởng không thuộc diện ưu tiên, cùng với đó là tình trạng đã thiếu nguồn cung nhưng có lại còn bị “ế”.

Tiêu cực trong xét duyệt hồ sơ

Thời gian gần đây, sau những thông tin phản ánh của người dân về tình trạng tiêu cực trong xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua NƠXH, cơ quan chức năng đã vào cuộc thanh, kiểm tra và phát hiện ra hàng loạt các dự án NƠXH duyệt hồ sơ bán sai đối tượng, đồng thời thu tiền ngoài cao hơn giá cho phép bán hàng trăm triệu đồng.

Nhà ở cho người thu nhập thấp tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà ở cho người thu nhập thấp tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng

Đơn cử như vào tháng 6/2022, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh vào cuộc kiểm tra, phát hiện 3 dự án: Khu nhà ở chung cư cho người thu nhập thấp tại Bắc Từ Sơn (TP Từ Sơn) do Công ty TNHH Môi trường xanh làm chủ đầu tư; Dự án Khu NƠXH Cao Nguyên 3 (TP Từ Sơn) do Công ty CP Cao Nguyên làm chủ đầu tư và dự án Khu NƠXH tại phường Khắc Niệm (TP Bắc Ninh) của Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam.

Theo đó, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm, có những trường hợp mua nhà sai đối tượng. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở Xây dựng Bắc Ninh đã ban hành 6 quyết định xử phạt đối với chủ đầu tư, buộc thu hồi các căn NƠXH và buộc hoàn trả bên mua, thuê mua đối với trường hợp không đúng đối tượng hoặc hợp đồng mua bán không đúng đối tượng, không đảm bảo điều kiện theo quy định.

Hay mới đây nhất, vào cuối tháng 5/2023 Sở Xây dựng TP Đà Nẵng phát hiện nhiều khách hàng đăng ký mua NƠXH tại dự án Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside thuộc dự án Khu chung cư NƠXH khu công nghiệp Hòa Khánh không thỏa mãn điều kiện mua nhà.

Ngoài ra, hàng loạt địa phương khác như Đà Nẵng, Đắk Lắk, Thanh Hóa... xuất hiện nhiều đối tượng trung gian, cò mồi lợi dụng sự khan hiếm của NƠXH để bán kiếm tiền chênh lệch. Điều này dẫn tới sự gia tăng áp lực về chi phí với người thu nhập thấp, đồng thời làm giảm sút niềm tin vào chính sách nhân văn về NƠXH của Đảng, Nhà nước.

“Bộ Xây dựng xác định những hành vi trung gian, cò mồi mua bán NƠXH nhằm trục lợi, việc xét duyệt hồ sơ sai đối tượng... là thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt là chính sách về NƠXH. Bộ đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương, nơi xảy ra hiện tượng như vậy thanh tra, kiểm tra, làm rõ sự việc; đồng thời công khai các điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng được mua NƠXH. Đối với vi phạm liên quan đến mua bán NƠXH khi phát hiện sẽ kiên quyết thu hồi hồ sơ” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay.

Theo đánh giá, thời gian qua, do nguồn cung NƠXH khan hiếm, trong khi nhu cầu lớn đã dẫn đến tình trạng tiêu cực, dựa vào quan hệ quen biết, xin – cho để được mua nhà và thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên, đáng nói là ngoài những tiêu cực liên quan đến việc xét duyệt sai đối tượng thụ hưởng chính sách về NƠXH, thì vẫn xảy ra nghịch lý, khi nguồn cung kham hiếm nhưng vẫn bị “ế”.

Nhiều dự án NƠXH phải rao bán hàng chục, thậm chí 20 – 30 lần mà không bán hết hàng, có thể kể đến như: Dự án khu NƠXH Bamboo Garden (huyện Quốc Oai, Hà Nội) của Công ty CP Tập đoàn CEO phải mở bán đến 23 lần hay dự án Tổ hợp NƠXH và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư, tháng 4/2023 vừa qua mở bán đến lần thứ 26 nhưng vẫn chưa hết... Đây chính là những bất cập lớn trong công cuộc thực thi chính sách NƠXH.

Cần xóa bỏ cơ chế xin - cho

Tại Hội thảo “1 triệu căn NƠXH: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp” tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà quản lý đều chung quan điểm về những khó khăn trong đầu tư phát triển NƠXH hiện nay phần nhiều là do cơ chế, vướng mắc từ những văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến trình tự, thủ tục làm dự án rườm rà, không nhất quán.

Trong khi DN thiếu vốn, thì Nhà nước cũng không bố trí được nguồn tài chính đủ lớn để làm “vốn mồi”; quỹ đất phát triển NƠXH rải rác không tập trung, lại bị đặt vào khu vực thiếu hạ tầng... Và vấn đề được quan tâm nhất là giải pháp để nâng cao khả năng thụ hưởng chính sách NƠXH cho người thu nhập thấp, trước tình trạng tiêu cực xin – cho, xét duyệt hồ sơ mua nhà không đúng đối tượng hiện nay.

“Chúng ta không thiếu cơ chế, chính sách để phát triển NƠXH nhưng chưa nhất quán về quan điểm, cách hiểu, cách tiếp cận. Vì vậy, cần phải quán triệt, thống nhất quan điểm, coi đây là chính sách kinh tế nhân văn, mang cả ý nghĩa kinh tế và an sinh xã hội. Mục đích sử dụng NƠXH dành cho cả nhu cầu mua và nhu cầu thuê nên để khắc phục tình trạng trục lợi chính sách thì phải công khai, minh bạch” – TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhìn nhận.

Cũng liên quan đến vấn đề này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, NƠXH ngay tên gọi của nó đã phân định rõ ràng những người được sở hữu. Nhưng nghịch lý xảy ra là sản phẩm nhà cho người thu nhập thấp thiếu nguồn cung thừa cầu, ngược lại nhà ở giá cao thừa cung thiếu cầu. Trong bối cảnh đó, NƠXH trở thành món hàng “béo bở”, không ít người đã cố tình dựa vào quan hệ quen biết làm sai hồ sơ để được thụ hưởng ưu đãi của Nhà nước.

“Một trong những điểm yếu nhất của hệ thống quản lý Việt Nam chính là thủ tục hành chính, trong đó có cả vấn đề thụ hưởng NƠXH. Bởi vậy, dù là phân khúc dành riêng cho người thu nhập thấp, song việc tiếp cận để được mua, thuê mua và thuê luôn khiến người lao động gặp vô số khó khăn.

Nguyên nhân bắt nguồn từ những tiêu cực trong việc mua bán NƠXH hiện nay là do cơ chế xin – cho, bất cập chính sách và việc chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp trục lợi... đã làm “méo mó” chính sách phát triển NƠXH. Giải pháp để hóa giải những vướng mắc này thì phải hội tụ đủ 3 yếu tố gồm: nguồn vốn, quỹ đất và chính sách” – GS. TSKH Đặng Hùng Võ phân tích.

Các chuyên gia cùng chung quan điểm, NƠXH là sản phẩm phục vụ an sinh xã hội. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân, hộ gia đình, người lao động, DN và cộng đồng trong việc bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần xã hội hóa, tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm các điều kiện sống. Nhưng bên cạnh những cơ chế khuyến khích, ưu đãi thì cũng cần phải kèm theo chế tài.

“Cần có những biện pháp, chế tài cụ thể, chi tiết từ đối tượng tiếp cận, đến việc triển khai thực hiện xây dựng NƠXH để bắt buộc các DN, địa phương phải thực hiện, không vì những lợi ích riêng mà quên đi nhiệm vụ chung. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần minh bạch, mạnh tay với những chủ đầu tư nằm trong điều kiện xây dựng NƠXH nhưng không thực hiện hoặc thực hiện nhưng xét duyệt hồ sơ không đúng” – luật sư Trần Đức Phương, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh nói.

 

Phát triển NƠXH là chủ trương rất nhân văn, đúng đắn để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp. Trước nhu cầu NƠXH lớn, việc xét đối tượng được mua cần phải được tiến hành một cách công bằng. Vì vậy, quỹ hỗ trợ NƠXH của ngân hàng cần phải thanh lọc rất chính xác và hiệu quả, đối tượng nào cần NƠXH nhưng đối tượng có sở hữu đất, thu nhập phải đóng thuế... tức là không thuộc diện người nghèo và được tiếp cận NƠXH.

Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (Đoàn tỉnh Hà Tĩnh)