Chính sách phòng, chống dịch bệnh chăn nuôi phải thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo
Tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, sáng 24/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải tích hợp đầy đủ các chính sách liên quan, đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ, chấm dứt tình trạng chồng chéo để cơ chế hỗ trợ thực sự hiệu quả.
Đổi mới tư duy, làm rõ cơ chế 'phòng' và 'chống'
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn nữa mục đích, yêu cầu thực tiễn và tính cấp thiết của Nghị định, đặc biệt là về phạm vi và đối tượng áp dụng. Phó Thủ tướng chỉ rõ bối cảnh hiện tại, khi diễn biến dịch bệnh, nhất là trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, vẫn còn rất phức tạp. Đồng thời, công tác phòng dịch còn bộc lộ những hạn chế như thiếu sự chủ động, chưa rõ ràng trong phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý, giao nhiệm vụ.
"Nghị định này cần thể hiện sự đổi mới trong tư duy, phương pháp, cách làm, cơ chế hỗ trợ, đầu tư cho công tác phòng, chống dịch bệnh so với trước đây" - Phó Thủ tướng đặt vấn đề và nhấn mạnh: "Phòng không tốt thì chống sẽ vất vả hơn. Cơ chế chính sách cho phòng thế nào, cho chống thế nào phải thật rõ ràng".
Theo Phó Thủ tướng, cần tiếp cận phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ khắc phục thiệt hại trong chăn nuôi tương tự như trong phòng, chống thiên tai. Đây là công việc thường xuyên, đòi hỏi sự chủ động cao độ, phân cấp mạnh mẽ, giao nhiệm vụ cụ thể, đi đôi với việc xây dựng năng lực. Chính sách hỗ trợ cần kịp thời, tập trung đúng đối tượng, đúng địa bàn trọng điểm.
"Phải xác định 'phòng là chính', phòng sẽ quyết định hiệu quả của công tác chống dịch" - Phó Thủ tướng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Nghị định tập trung quy định quy trình ứng phó khi xảy ra dịch bệnh (khoanh vùng, tiêu hủy, tái đàn…). Ảnh: VGP
Tăng mức hỗ trợ, tập trung ứng phó khi dịch xảy ra
Dự thảo Nghị định gồm 3 chương, 15 điều có phạm vi điều chỉnh là hỗ trợ cơ sở sản xuất có động vật, sản phẩm động vật buộc phải tiêu huỷ do dịch bệnh; người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật.
Nội dung trọng tâm của Nghị định là quy định mức hỗ trợ tiêu huỷ động vật, sản phẩm động vật trong vùng có dịch, ổ dịch đã có kết luận xét nghiệm; người chăn nuôi; người trực tiếp tham gia chống dịch (gồm cả người có và không hưởng lương ngân sách).
Nội dung hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ kế thừa các quy định trước đây, nhưng loại bỏ những nội dung bị đánh giá là khó khả thi trong thực tế.
Mức hỗ trợ thiệt hai về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản dự kiến tăng từ 1,5 - 2 lần so với trước, trên cơ sở khảo sát về chi phí chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực tế hiện nay, có tính đến trượt giá, khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước, và theo nguyên tắc "Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, không đền bù thiệt hại".
Mức hỗ trợ cho người tham gia chống dịch đối với người không hưởng lương được xây dựng cơ bản phù hợp với mặt bằng tiền công lao động phổ thông và tính độc hại, nguy hiểm của công việc, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như cúm gia cầm, dại, nhiệt thán…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi mang tính thường quy bắt đầu từ hoạt động, quy trình trình chăn nuôi, con giống, quy chuẩn, quy mô chuồng trại, tiêm phòng… và đã có nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, địa phương được điều chỉnh ở ở nhiều văn bản khác nhau. Vì vậy, Nghị định tập trung quy định quy trình ứng phó khi xảy ra dịch bệnh (khoanh vùng, tiêu hủy, tái đàn…): Hỗ trợ cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng dịch bệnh, cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Nghị định đã lồng ghép chính sách phòng dịch (hỗ trợ tiêu hủy sớm, hỗ trợ lực lượng tham gia hoạt động hoạt động phòng ngừa dịch bệnh); hỗ trợ khắc phục sau dịch bệnh giúp người chăn nuôi khôi phục sản xuất.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Nghị định cần thể hiện sự đổi mới trong tư duy, phương pháp, cách làm, cơ chế hỗ trợ, đầu tư cho công tác phòng, chống dịch bệnh so với trước đây. Ảnh: VGP
Rõ quy trình, 'đúng người, đúng việc' trong chống dịch
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát toàn diện dự thảo Nghị định, đảm bảo tên gọi, phạm vi và đối tượng điều chỉnh phù hợp với nội dung cốt lõi là chống dịch và hỗ trợ khắc phục thiệt hại.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các chính sách liên quan đến chống dịch, hỗ trợ khắc phục thiệt hại phải được hoàn thiện, tích hợp đầy đủ vào Nghị định, đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ và tránh chồng chéo.
Đặc biệt, cần làm rõ quy trình triển khai hoạt động chống dịch tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp phải có lực lượng chống dịch được đào tạo bài bản, "đúng người, đúng việc". Còn khi dịch bệnh xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì cơ quan chuyên môn ở địa phương (thú y, môi trường, y tế dự phòng) chịu trách nhiệm tham mưu, huy động, điều phối lực lượng chống dịch.
"Chúng ta cần xây dựng quy trình, thủ tục rõ ràng để trong tình huống cấp bách, các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là cơ sở tập trung có thể triển khai ứng phó kịp thời" - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục nghiên cứu quy định về bảo hiểm trong chăn nuôi, nhất là với các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, các chuỗi sản xuất, không để tình trạng "có lãi thì hưởng, có dịch bệnh thì để Nhà nước lo".

Mở ra cơ hội giúp Hà Nội hiện thực hóa các mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững
Với các cơ chế, chính sách đặc thù, Luật Thủ đô 2024 đã tạo ra cơ hội giúp Hà Nội tháo gỡ nhiều vướng mắc về khai thác quỹ đất nông thôn, thu hút nhà đầu tư chiến lược. Là tiền đề giúp Hà Nội chủ động hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội nhận thêm nhiệm vụ mới
Kinhtedothi - Theo Quyết định số 2043/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội sẽ là Chủ tịch Hội đồng thẩm định xét công nhận làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống.
Buông xuôi quản lý đất nông nghiệp, hàng ngàn m2 bị san lấp, xây dựng nhà tại Thanh Trì
Kinhtedothi - Tận dụng thời điểm Hà Nội sắp xếp lại địa giới hành chính, các công trình xây dựng trái phép trên địa bàn huyện Thanh Trì mọc lên như nấm sau mưa. Việc buông lỏng quản lý ở thời điểm này sẽ để lại hậu quả khó lường...