Chính thức: Jakarta không còn là thủ đô Indonesia

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định “đổi” Thủ đô của quốc gia Đông Nam Á được đưa ra do lo ngại về tính bền vững của trung tâm chính trị do tình trạng tắc nghẽn giao thông cũng như sụt lún nghiêm trọng của Jakarta.

Indonesia đã đặt tên cho thủ đô mới là Nusantara, trong bối cảnh các nhà lập pháp chấp thuận việc chuyển từ Jakarta đến Kalimantan - một khu vực rừng rậm phía đông đảo Borneo.

Giao thông tắc nghẽn ở Jakarta vào giờ cao điểm. Ảnh: AP
Giao thông tắc nghẽn ở Jakarta vào giờ cao điểm. Ảnh: AP

Tên thủ đô mới trong tiếng Indonesia có nghĩa là "quần đảo".

Quyết định “đổi” Thủ đô của quốc gia Đông Nam Á được đưa ra do lo ngại về tính bền vững của trung tâm chính trị gây ra bởi tình trạng tắc nghẽn giao thông cũng như sụt lún nghiêm trọng của Jakarta. Hạ viện Indonesia hôm 19/1  đã chính thức thông qua dự luật liên quan đến việc di dời Thủ đô.

"Việc di dời thủ đô đến Kalimantan dựa trên một số cân nhắc, lợi thế khu vực và phúc lợi. Với tầm nhìn về sự ra đời của một trung tâm kinh tế mới ở giữa quần đảo", Suharso Monoarfa, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia cho biết.

Tổng thống Joko Widodo lần đầu tiên tuyên bố sẽ dời thủ đô vào năm 2019, với lý do lo ngại về tính bền vững kinh tế và môi trường của Jakarta.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Jakarta nằm trên vùng đất sình lầy gần biển - đặc biệt dễ sụt lún- trở thành một trong những thành phố chìm nhanh nhất trên Trái đất. Thủ đô cũ đã bị sụt giảm xuống biển Java với tốc độ đáng báo động do khai thác quá mức nguồn nước ngầm.

Đây cũng là một trong những khu vực đô thị đông dân nhất thế giới, là nơi sinh sống của hơn 10 triệu người và ước tính khoảng 30 triệu dân ở khu vực đô thị lớn hơn, theo Liên Hợp quốc.

Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani hôm 19/1 cho biết, dự luật di dời thủ đô đã được thông qua với sự chấp thuận của phần lớn thành viên. Các nhà lập pháp đã nhấn mạnh tầm quan trọng việc xem xét cẩn thận tác động môi trường của sự phát triển mới. Theo số liệu từ Cơ quan Quy hoạch và Phát triển Quốc gia, tổng diện tích đất của Thủ đô mới sẽ vào khoảng 256.143 ha (khoảng 2.561 km vuông) - hầu hết được chuyển đổi từ diện tích rừng.

Sri Mulyani, Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 19/1 rằng, sẽ có năm giai đoạn phát triển ở thủ đô mới. Giai đoạn đầu tiên dự kiến ​​bắt đầu vào năm 2022 và kéo dài đến năm 2024, các giai đoạn tiếp theo ​​sẽ kéo dài đến năm 2045, Monoarfa cho biết.

Các ước tính trước đây cho biết dự án đầy tham vọng này có thể sẽ tiêu tốn khoảng 32 tỷ USD, theo CNN Indonesia.