Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính thức kích hoạt trung tâm khẩn cấp ở Bộ Y tế chống dịch nCoV

Bảo Thắng - Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam nâng cấp 1 bước chống dịch thành “lây nhiễm”, cao hơn một bước so nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, trưa 24/1, Ban chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng virus mới Corona gây ra thông tin đã xác định được 2 bệnh nhân ở miền Bắc âm tính với nCoV.

2 bệnh nhân ở miền Bắc âm tính với nCoV
Trưa nay (24/1 - 30 Tết Nguyên đán), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới Corona (nCoV) gây ra.
 Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Minh An.
Theo đó, 2 bệnh nhân ở miền Bắc đã xác định âm tính với nCoV là thông tin khả quan được ông Trần Như Dương - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp. Theo ông Dương, sau khi tiến hành đầy đủ các bước xét nghiệm theo quy trình, 2 bệnh nhân nghi mắc nCoV được xác định mắc “căn bệnh khác”.
“Khu vực miền Bắc hiện chưa phát hiện ca bệnh nào. Các trường hợp nghi vấn, chúng tôi đã chỉ đạo bộ phận liên quan cách ly, đảm bảo an toàn” - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cung cấp.
Tại cuộc họp khẩn, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, phía Bộ đã ban hành trên 12 văn bản các loại, đưa ra các khuyến cáo tới người dân, tránh tình trạng hoang mang. Ngoài ra, Bộ Y tế thành lập các đoàn kiểm tra tại các cửa khẩu, địa phương và theo kế hoạch.
“Đây là căn bệnh lây truyền hạn chế từ người sang người. Hiện, Bộ Y tế đã có hướng dẫn phác đồ điều trị tới 63 tỉnh, thành trên cả nước. Theo kết quả xét nghiệm ban đầu, 2 bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy có dương tính với Corona. Cơ quan chức năng sẽ tục theo dõi chặt chẽ theo đúng quy trình” - ông Tuyên khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan đến 2 bệnh nhân để khoanh vùng. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chế độ khai báo y tế. Hiện đã có Nhật Bản tiến hành khai báo y tế các trường hợp đến từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Về công tác điều trị, Bộ Y tế thống nhất dịch ở khu vực nào sẽ khoanh vùng điều trị ở khu vực đó để tránh lây lan. Trong trường hợp cần hỗ trợ từ tuyến trên, sẽ chỉ đạo lực lượng hỗ trợ.
“Chúng tôi đã chỉ đạo bố trí vùng cách ly để chống lây chéo người bệnh sang nhân viên y tế và ngược lại” - ông Tuyên cho biết thêm.
Nâng mức cảnh báo để phòng, chống dịch
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dịch bệnh này có từ tháng 12/2019. Từ đó, ngành y tế luôn sát sao, ưu tiên cao nhất cho phòng chống dịch, không vì bất cứ lý do nào.
Qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia, cơ quan có trách nhiệm khẳng định Việt Nam hiện có một số trường hợp nghi ngờ sốt liên quan căn bệnh này và đã tiến hành các thao tác cần thiết theo chuyên môn.
“2 trường hợp miền Bắc đã xác định âm tính, các trường hợp khác sẽ tiếp tục xét nghiệm và minh bạch thông tin” - Phó Thủ tướng cho hay.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Minh An.
Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, do có đường biên sát với Trung Quốc, Việt Nam sẽ đặt mức “lây nhiễm”, tức cao hơn mức “lây nhiễm hạn chế” theo khuyến nghị của các quốc gia trên thế giới.
Theo chỉ đạo của ông Vũ Đức Đam, tuyệt đối không để tình huống bệnh nhân lây sang y bác sĩ. Thực hiện ngay bước khai báo y tế tại tất cả cửa khẩu. Tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt, các tình huống sốt, đặc biệt có xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam không tiến hành các chuyến bay từ Việt Nam đến các TP Trung Quốc công bố có dịch, công dân cần hạn chế tối đa di chuyển đến các vùng có dịch, không đến Vũ Hán, Hoàng Cương.
“Việt Nam kích hoạt chính thức trung tâm khẩn cấp ở Bộ Y tế để phòng, chống dịch. Không vì bất kỳ lý do gì làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện WHO cho hay, người dân Việt Nam không nên quá lo lắng và cần chủ động phòng ngừa loại bệnh này. WHO sẽ hỗ trợ tích cực các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để phòng, chống dịch nCoV.