Chính thức nghiệm thu, đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác

Vũ Khoa/Giaothonghanoi.kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 9/9 thành viên Hội đồng kiểm tra Nhà nước đã chấp thuận đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện, đưa công trình Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông vào khai thác giai đoạn đầu.

 Tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông sắp khai thác.

Trước đó, sáng 29/10, Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị vận hành, khai thác thực tế tại hiện trường dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Đoàn công tác của hội đồng đã thực hiện kiểm tra công tác vận hành khai thác thực tế trên toàn tuyến; thị sát từ khâu hướng dẫn sử dụng thẻ vé, phát vé, công tác quản lý, điều hành của một số phòng chức năng tại một số nhà ga (Cát Linh, Phùng Khoang, Yên Nghĩa); thực tế vận hành tại một số hạng mục như ke ga, sảnh đón khách, cửa soát vé, phòng điều khiển, phòng thiết bị tín hiệu, phòng thiết bị thông tin, phòng thiết bị điện; thị sát tổng thể khu depot, các điều kiện duy tu, bảo dưỡng tại trung tâm duy tu tổng hợp (DCC).
Tới chiều 29/10, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng tổ chức cuộc họp xem xét, đánh giá kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thông báo, trên cơ sở ý kiến bằng phiếu, tất cả 9 thành viên Hội đồng đều đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư, để đưa công trình đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, vào khai thác giai đoạn đầu.
Sự chấp thuận trên căn cứ quy định pháp luật hiện hành về nghiệm thu công trình xây dựng, việc kiểm tra kết quả nghiệm thu và căn cứ các báo của chủ đầu tư dự án (Bộ GTVT), các chủ thể tham gia vào công trình, báo cáo kết quả khắc phục các tồn tại trong quá trình thực hiện dự án.
Ngoài ra, Hội đồng kiểm tra Nhà nước còn căn cứ vào kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư, báo cáo đánh giá của Tổ chuyên gia cũng như kết quả kiểm tra hiện trường.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị lưu ý Bộ GTVT phải phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra, rà soát toàn bộ các hệ thống, thiết bị phục vụ vận hành trước khi bàn giao đưa vào khai thác dự án; rà soát công tác chuẩn bị nhân lực, các điều kiện đảm bảo vận hành thực tế và các phương án xử lý tình huống có thể phát sinh trong quá trình khai thác, nhất là đối với các phát hiện liên quan đến vận hành đã được Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống khuyến cáo.
Các bên cần thống nhất và phê duyệt quy trình vận hành phù hợp với giai đoạn đầu khai thác, thực hiện đầy đủ thủ tục liên quan đảm bảo đưa công trình vào khai thác an toàn, đúng pháp luật.
Trong quá trình vận hành, Metro Hà Nội cần tổ chức khai thác theo đúng quy trình vận hành, biểu đồ chạy tàu đã được phê duyệt; từng bước nâng cao sự thành thục của nhân viên; hướng dẫn để người dân làm quen với loại hình giao thông mới...
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong suốt giai đoạn triển khai dự án luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Hội đồng kiểm tra nhà nước, các chuyên gia; chủ đầu tư và tổng thầu đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo, yêu cầu của Hội đồng về khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai.
Theo ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, đơn vị đã sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận vận hành khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đơn vị cũng đã báo cáo UBND TP về kế hoạch khai thác trong giai đoạn đầu vận hành của dự án.
Trước đó ngày 27/10, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ GTVT hoàn thành các công đoạn để bàn giao dự án cho TP Hà Nội trước ngày 10/11, đưa vào khai thác, sử dụng. Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội phê duyệt kế hoạch để sẵn sàng tiếp nhận, vận hành khai thác giai đoạn đầu, sau khi có ý kiến của Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng.
Kết thúc cuộc họp vào 20h tối 29/10, Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã chấp thuận kết quả nghiệm thu của Bộ GTVT để đưa đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào khai thác.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13km, có tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Sau nhiều lần lùi thời gian khai thác, đến tháng 3/2021, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây lắp, lắp đặt thiết bị và được đơn vị tư vấn độc lập cấp giấy chứng nhận an toàn.