Sắp vận hành chính thức sau 2 đợt thử nghiệm
Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) gửi thông báo đến các công ty chứng khoán kế hoạch chuyển đổi hệ thống giao dịch mới (KRX) chuẩn bị cho triển khai chính thức.
Theo thông báo, ngày 24-25/4, các công ty chứng khoán sẽ tiến hành kiểm tra kết nối đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh.
Ngày 26/4, dữ liệu cuối ngày sẽ được chuyển đổi sang hệ thống giao dịch mới của Sở. Các công ty chứng khoán chủ động chuẩn bị dữ liệu để thực hiện kiểm tra chuyển đổi.
Từ ngày 27-29/4, HoSE sẽ thực hiện chuyển đổi hệ thống giao dịch, đồng thời yêu cầu các công ty chứng khoán chủ động có kế hoạch và thực hiện các công việc chuẩn bị để đồng bộ triển khai.
Ngày 30/4, các công ty chứng khoán cần thực hiện kiểm tra chuyển đổi. Ngày giao dịch trên hệ thống là 2/5. Dữ liệu giao dịch là dữ liệu cuối ngày 26/4. Các công ty chứng khoán kiểm tra giao dịch thông suốt trên hệ thống của mình với hệ thống mới của Sở như ngày giao dịch bình thường, tuyệt đối không dùng phần mềm nhập lệnh tự động và thử nghiệm tình huống bất thường, không thực tế.
Cuối ngày 30/4, dựa vào kết quả kiểm thử, Sở sẽ thông báo triển khai chính thức hệ thống giao dịch mới. Trong trường hợp không triển khai chính thức, các công ty chứng khoán chủ động chuẩn bị hệ thống để tiếp tục giao dịch trên hệ thống giao dịch hiện tại.
HoSE dự kiến triển khai chính thức hệ thống giao dịch mới vào ngày 2/5.
Hệ thống KRX có gì nổi bật?
KRX là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhằm nâng cấp công nghệ hệ thống và cơ sở hạ tầng của sàn giao dịch chứng khoán, được HoSE ký kết với Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) vào năm 2012.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE, hệ thống công nghệ được sử dụng ở thị trường Việt Nam trước đây được mua và chuyển giao từ Thái Lan, hệ thống này chỉ có thể tiếp nhận khoảng 900.000 lệnh mỗi ngày. Trong quá trình giao dịch, hệ thống thường xuyên gặp vấn đề, như: Nhà đầu tư không thể gửi lệnh, hệ thống giao dịch không thể xác nhận trạng thái lệnh,… Đỉnh điểm là vào giữa năm 2021, trong khi thị trường đang ở giai đoạn bùng nổ thì hệ thống này thường xuyên bị nghẽn lệnh.
Thời điểm đó, trong khi chờ triển khai KRX, HoSE đã áp dụng tạm thời hệ thống thông tin của FPT, nâng số lệnh tiếp nhận lên 2-3 triệu lệnh mỗi ngày, tạm thời giải quyết được vấn đề nghẽn lệnh. Tuy nhiên, đến tháng 4 – 5/2022, khi thị trường bắt đầu điều chỉnh mạnh, hiện tượng nghẽn đã xuất hiện trở lại.
Hệ thống KRX được đưa vào sử dụng từ 2/5 tới đây được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian thanh toán một cách đáng kể, từ T+2.5 ở hệ thống hiện tại về T+0, cho phép nhà đầu tư mua và bán cổ phiếu liên tục ngay trong ngày trên TTCK cơ sở – giống như trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Ngoài việc rút ngắn thời gian thanh toán, hệ thống KRX còn tạo nền móng để triển khai thêm các sản phẩm hợp đồng quyền chọn, thúc đẩy giao dịch thuật toán được lập trình sẵn, như: lướt sóng siêu ngắn (Scalping), giao dịch theo cặp (Pair trading), giao dịch lưới (grid)…
Sự đa dạng của các sản phẩm tài chính được cung cấp trên thị trường chứng khoán, sẽ giúp thu hút nhiều hơn nữa các nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế cũng như vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Đồng thời, cung cấp cho nhà đầu tư thêm các công cụ để tìm kiếm lợi nhuận cũng như phòng vệ rủi ro trong cả xu hướng tăng và xu hướng giảm của thị trường.
Bên cạnh đó, việc hệ thống KRX được đưa vào vận hành sẽ giúp thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể. Theo dự báo từ giới chuyên gia, thanh khoản khớp lệnh trong phiên có thể lên tới 4 tỷ USD, tương đương với mốc xấp xỉ 96 nghìn tỷ đồng mỗi phiên, gấp từ ít nhất 5 lần so với mốc khớp lệnh hiện tại.
Ngoài ra, đây còn là một điều kiện trong việc đánh giá nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo chuẩn FTSE Russell, hỗ trợ cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi.
Ngân hàng Thế giới ước tính, việc nâng hạng thị trường chứng khoán có thể mang lại tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030 với một số điều kiện quan trọng.