Chỉnh trang, hiện đại hóa bộ mặt đô thị

Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội giao UBND các quận, huyện tiếp tục nghiên cứu triển khai thực hiện công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị đồng bộ các tuyến phố với định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị xanh, văn minh, hiện đại.

Chỉnh trang mở rộng đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Hải Linh
Vẫn còn một số hạn chế
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong những năm qua, công tác triển khai cải tạo, chỉnh trang đô thị kết hợp với hạ ngầm các đường dây nổi trên địa bàn TP tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đã đạt được kết quả tích cực, góp phần tạo dựng cảnh quan đô thị khang trang, sạch đẹp, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Tính đến thời điểm này, tại 4 quận lõi, các tuyến đường phố đã cơ bản hoàn thành hạ dây cáp cũ và loại bỏ gần 6.000 cột treo cáp, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

Công tác chỉnh trang đô thị các tuyến phố sau hạ ngầm được UBND các quận tích cực triển khai, thiết kế mẫu hè phố theo Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21/3/2019 của UBND TP góp phần cải thiện bộ mặt đô thị. Chất lượng công trình cơ bản đảm bảo, phát huy tốt hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, Sở Xây dựng Hà Nội cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công cho biết, vẫn còn tình trạng một số tuyến phố đã hoàn thành lát vỉa hè xong phải đào lên để thi công xử lý sự cố điện lực, viễn thông, cấp nước... Việc hoàn trả lại mặt bằng một số vị trí chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn hạ tầng đô thị và sử dụng hè của một số người dân còn chưa cao, việc phát hiện, xử lý vi phạm và thông tin tới các cơ quan quản lý theo phân cấp của chính quyền địa phương chưa kịp thời, thiếu tính răn đe, gây bức xúc trong dự luận Nhân dân. “UBND các quận mới tập trung đầu tư cải tạo, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đô thị, chủ yếu là cải tạo hè, rãnh thoát nước, chưa chú trọng đầu chỉnh trang mặt đứng các công trình” - ông Nguyễn Thế Công nhấn mạnh.

Chú trọng chỉnh trang đô thị, nhà mặt phố

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở danh mục các tuyến phố chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, UBND TP giao UBND các quận khẩn trương lập kế hoạch, ban hành danh mục, nội dung chỉnh trang đô thị và công bố công khai trên địa bàn để Nhân dân biết. Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị các tuyến phố bao gồm mặt đứng công trình, mái che, mái vẩy, biển hiệu... kết hợp với chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, hạ ngầm các đường dây đi nổi. Trong đó, quan tâm bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị dựa trên nguyên tắc phục hồi các kiến trúc nguyên gốc, phá bỏ các bộ phận cơi nới chắp vá trái phép, gây mất mỹ quan. Đồng thời cải tạo thay thế các bộ phận kiến trúc cũ hỏng như hàng rào, lan can ban công, cửa đi, cửa sổ mặt tiền; định hướng màu sơn chủ đạo cho toàn tuyến phố đảm bảo đẹp, hài hòa, thân thiện.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công, TP đã giao Sở Xây dựng phối hợp UBND các quận kiểm tra, hướng dẫn thực hiện theo quy định. Đồng thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại trong quá trình thực hiện để đảm bảo an toàn và cảnh quan đô thị. Cải tạo, chỉnh trang hệ thống cây xanh, trồng bổ sung cây bằng nguồn vốn sự nghiệp TP giao và bằng nguồn ngân sách các quận.

Bên cạnh đó, TP cũng xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị; chỉnh trang 180 tuyến phố sau khi hạ ngầm sắp xếp đường dây, cáp đi nổi. Chỉnh trang khu vực đô thị cũ, lập quy hoạch, thiết kế đô thị tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.

Với hàng loạt mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, căn cơ cùng lộ trình triển khai cụ thể, gắn với trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, chắc chắn Hà Nội sẽ phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

Thời điểm này, Sở GTVT đã cải tạo, nâng cấp, mở rộng lòng đường bằng cách xén hè, tổ chức lại giao thông một số tuyến đường phố chính như Láng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng. Đồng thời phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan, kiểm tra, rà soát các tuyến phố nằm trong danh mục hạ ngầm kết hợp với chỉnh trang đô thị, duy trì mặt đường, tổ chức giao thông đồng bộ, đảm bảo an toàn giao thông và cảnh quan đô thị.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần