Thị trường lao động việc làm tại Việt Nam:

Chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh Covid-19

Nguyễn Văn Phái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Năm 2021, thị trường lao động ở Việt Nam đối mặt với hàng loạt thực tế tiêu cực: Hàng triệu lao động bị mất việc làm, cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động trở nên hết sức khó khăn. Nguyên nhân xuất phát từ những tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19.

Năm 2021, kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi khi các nước đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vacxin phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 ở nhiều nước với biến chủng mới khiến quá trình phục hồi kinh tế thế giới có dấu hiệu chậm lại. Tại Việt Nam, những tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định và bắt đầu khởi sắc. Nhưng làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021 có tốc độ lây lan nhanh chóng, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, TP kinh tế trọng điểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế và tình trạng việc làm của người dân. Thị trường lao động đối mặt với  hàng loạt thực tế tiêu cực: Hàng triệu lao động bị mất việc làm, cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động trở nên hết sức khó khăn.

Có thể nhận thấy rõ tác động nặng nề của dịch Covid-19 đến thị trường lao động, đặc biệt là tình trạng việc làm theo từng theo diễn biến của dịch bệnh. Năm 2019, khi chưa có dịch Covid-19, số người có việc làm trong 4 quý luôn dao động ở mức trên dưới 51 triệu người. Tuy nhiên, từ khi bắt đầu phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên vào 23/1/2020, số người có việc làm dao động rất mạnh theo diễn biến của dịch bệnh (xem Hình 1).

Chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 1

Kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu khởi phát đến nay,Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát đại dịch, trong đó đợt bùng phát thứ nhất và thứ tư có ảnh hưởng nặng nề nhất đến thị trường lao động. Sau khi bùng phát đợt dịch thứ nhất vào đầu quý I/2020, đặc biệt là sau khi Việt Nam thực hiện đợt giãn cách toàn xã hội 15 ngày bắt đầu từ 0 giờ 1/4/2020, số người có việc làm bắt đầu giảm mạnh và chỉ còn 48,1 triệu người vào quý II/2020, giảm 2,9 triệu người so với quý IV năm 2019. Sau khi đạt mức rất thấp vào quý II/2020, số người có việc làm bắt đầu tăng dần và đạt mức 50,9 triệu người vào quý IV/2020. Khi đợt dịch thứ 3 và thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 1 và cuối tháng 4/2021, số người có việc làm đã liên tục giảm và sau đợt cách ly và giãn cách xã hội quyết liệt, kéo dài trên phạm vi rộng trong các tháng 7 và 8 theo các Chỉ thị 15 và 16 đã làm cho nhiều  DN không còn sức chống đỡ và phải rời khỏi thị trường, hàng vạn lao động phải về quê do mất việc. Theo kết quả tổng hợp nhanh báo cáo của các tỉnh, TP, tính đến ngày 15/12/2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Số người có việc làm giảm xuống chỉ còn 47,2 triệu người, mức thấp nhất trong 3 năm qua (2019-2021). Tuy nhiên, ngày 11/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Việc triển khai Nghị quyết 128 đã được thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Các cấp, các ngành, các địa phương đã có những phương án để thích nghi an toàn, khoanh vùng dập dịch bên cạnh việc duy trì, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, kinh doanh. Qua đó, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, đồng thời kinh tế dần được khôi phục và có sự khởi sắc. Số người có việc làm đã tăng mạnh, tới 1,9 triệu người chỉ trong vòng 1 quý, từ 47,2 lên 49,1 triệu người.

Số người làm việc trong từng khu vực kinh tế cũng có sự thay đổi rất mạnh theo từng quý và theo các xu hướng khác nhau. Giãn cách xã hội kéo dài trong 3 tháng của quý III đã làm trầm trọng hơn hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh tới khu vực dịch vụ (khu vực III) và khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II), dẫn tới số lao động hai khu vực này giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây. Ngược lại, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) lại có xu hướng tăng, trái ngược với xu hướng thường thấy trước đây, chủ yếu là do số lao động mất việc làm tại các tỉnh phía Nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành nông nghiệp. Trong 3 khu vực kinh tế thì khu vực  nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lao động đang làm việc ít dao động theo quý nhất và cũng là khu vực duy nhất có số lao động đang làm việc trong quý III cao hơn so với 3 quý còn lại. Trong khi đó, đối với khu vực dịch vụ số lao động đang làm việc giảm liên tục trong 3 quý đầu tiên trong năm 2021, từ 19.707 nghìn người trong quý I xuống 19.446,2 nghìn người trong quý II và chỉ còn 17.798,0 nghìn người trong quý III, giảm tới 13% số lượng so với quý I, tức là giảm tới 1.809 nghìn người. Đến quý IV, số lao động đang làm việc tronh khu vực này lại tăng lên, đạt 17.898 nghìn người, tăng 762,5 nghìn người (tăng 4,5%). Khu vực công nghiệp và xây dựng là khu vực duy nhất trong 3 khu vực có số lao động quý II tăng lên so với quý I, từ 16.100,4 nghìn người trong quý I lên 16.613,8 nghìn người trong quý II, tăng 3,2% (513,4 nghìn người).

Chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 2

Sự thay đổi số người đang làm việc của các khu vực theo xu hướng khác nhau theo quý đã làm thay đổi cơ cấu (tỷ trọng) lao động theo khu vực kinh tế trong từng quý.

Trong 3 khu vực thì khu vực dich vụ có tỷ trọng lao động đang làm việc trong toàn nền kinh tế giảm liên tục từ quý I đến quý III, từ 39,5% trong quý I xuống 39,0% trong quý II và chỉ còn 36,3% trong quý III. Như vậy tỷ trong lao động đang làm việc trong quý III giảm tới 3,2 điểm phần trăm so với quý I. Tỷ trọng lao động đang làm việc trong toàn nền kinh tế của 2 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực công nghiệp và xây dựng trong quý III, không những không giảm mà còn tăng lên so với quý I. Khu vực I tăng 2,4 điểm phần trăm, từ 28,2% lên 30,6%, còn khu vực II tăng 0,8 điểm phần trăm, từ 32,3% quý I lên 33,1% trong quý III. Đến quý IV/2021, mặc dù tỷ trọng lao động đang làm việc trong toàn nền kinh tế của khu II vẫn cao nhất (36,5%), nhưng chỉ còn cao hơn khu vực I có 7,3 điểm phần trăm (quý I chênh lệch này tới 11,3 điểm phần trăm), và cao hơn khu vực II 2,2 điểm phần trăm (qúy I chênh lệch này là 7,2 điểm phần trăm).

Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như thường thấy trước đây. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này. Trong quý III năm 2021, số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản là 18,0 triệu người, giảm 2,9 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý III năm 2021 là 54,5%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,3 điểm phần trăm so với quý III năm 2020. Tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 46,2%, giảm 2,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 3,0 điểm phần trăm so với quý III năm 2020. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 61,8%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1 điểm phần trăm so với quý III năm 2020.