Đây là lời khuyên của Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh khi trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị về chủ đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Cha mẹ và con cùng thỏa thuận sử dụng các trang mạng xã hội
Bà đánh giá như thế nào về thực trạng trẻ em sử dụng thời gian vào internet để phục vụ việc học và vui chơi giải trí hiện nay?
- Rất khó để có những số liệu chính xác về thời lượng trẻ em sử dụng internet trong ngày. Theo khảo sát Tiếng nói Trẻ em Việt Nam của Viện MSD năm 2021, trẻ em sử dụng internet từ 3 – 4 giờ/ngày và theo khảo sát của UNICEF năm 2022 có 87% trẻ em từ 12 – 17 tuổi sử dụng internet ít nhất 1 lần/ngày; 74% các em sử dụng internet tại trường học từ 5 – 7 tiếng/ngày. Thời lượng như vậy là rất nhiều, gần như ngang bằng với người lớn đi làm.
Đáng lo ngại hơn khi bây giờ các em đã bắt đầu kỳ nghỉ Hè, thời lượng sử dụng internet còn có thể tăng vọt. Điều này rất có thể dẫn đến những nguy cơ và rủi ro liên quan khi trẻ dùng internet quá mức hoặc tiếp cận những thông tin xấu độc trên môi trường mạng.
Trẻ em được nghỉ Hè nhưng hàng ngày cha mẹ đi làm. Có cách nào để cha mẹ kiểm soát con vào các trang mạng xã hội, thưa bà?
- Trẻ em hiện nay được sinh ra trong thời đại công nghệ số. Đặc biệt là trong và sau Covid-19, từ trẻ em cấp tiểu học đã bắt đầu tiếp cận và sử dụng internet để học online. Nhu cầu của trẻ em trong việc tiếp cận môi trường mạng là chính đáng. Vì thế, cha mẹ rất khó để kiểm soát được con sử dụng internet, đặc biệt trong kỳ nghỉ Hè, phụ huynh không có ở nhà.
Về vấn đề kỹ thuật, hiện nay có những ứng dụng liên quan đến chặn lọc các nội dung xấu độc ở trên môi trường mạng cũng như kiểm soát thời gian sử dụng internet. Phụ huynh có thể vào website của Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia để được hướng dẫn kiểm tra các website lừa đảo, dấu hiệu lừa đảo, kiểm tra mã độc trong mạng để chỉ cho con cách sử dụng internet, mạng xã hội an toàn.
Nhưng việc quan trọng hơn hết là giữa cha mẹ và các con cùng nhau thỏa thuận đưa ra những quy định về thời lượng sử dụng intenet phù hợp, những trang mạng nên và không nên xem.
Hàng ngày, phụ huynh đi làm về thì hãy kiên nhẫn hỏi con hôm nay có những trải nghiệm thú vị gì trên môi trường mạng. Đặc biệt, phụ huynh hãy quan tâm đến suy nghĩ và cảm xúc của con; nếu con gặp bất kỳ thông tin lạ khiến băn khoăn, phân vân thì hãy nói ngay với cha mẹ để cùng tìm cách giải quyết.
Trẻ em chỉ tham gia mạng xã hội đúng độ tuổi
Là người chuyên nghiên cứu về lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà có thể tư vấn cho phụ huynh mỗi ngày cho trẻ em sử dụng bao nhiêu thời gian vào mạng xã hội và xem những kênh, chương trình nào?
- Việc trẻ em sử dụng mạng xã hội trong bao lâu thì cần phải cân đối với nhu cầu của trẻ. Trước đây, các nghiên cứu cho thấy thời lượng sử dụng internet cho trẻ là dưới 2 giờ/ngày. Nhưng thực tế điều này rất khó thực hiện, đặc biệt là đối với những em theo học các chương trình trực tuyến.
Kinh nghiệm của bản thân tôi và những người làm công tác xã hội thường khuyên phụ huynh cho con học bậc tiểu học (từ lớp 3) dùng interret khoảng 1 giờ/ngày và tối đa không quá 2 giờ/ngày; sẽ giúp trẻ em có thể tối ưu hóa được các khoảng thời gian khác cho giải trí và vui chơi.
Các em học bậc THCS sử dụng internet không quá 3 giờ/ngày (bao gồm cả thời gian học online). Lưu ý là tổng thời lượng như vậy nhưng mỗi lần không quá 30 phút, sau đó nghỉ ngơi để điều tiết mắt, trí não và không bị đắm chìm vào những nội dung ảo trên môi trường mạng.
Có rất nhiều kênh để trẻ em tham gia khi vào môi trường mạng. Theo khảo sát của chúng tôi, trẻ em học tiểu học sử dụng YouTube là nhiều nhất. Cha mẹ hãy cài đặt YouTube Kids bởi nó đã giúp chặn lọc một cách căn bản.
Học sinh THCS thì có nhiều kênh, mạng để mở rộng hoạt động của mình, ví dụ như Facebook, Tiktok, Instagram, Game online, các trang tin tức dành cho giới trẻ... Cha mẹ hãy cùng con bàn và lập danh sách những trang có thể hữu ích, an toàn trong sử dụng hàng ngày.
Khi trẻ em vào mạng xã hội thì cần phải thực hiện những nguyên tắc nào để bảo đảm an toàn trên không gian mạng và tránh bị lừa đảo, thưa bà?
- Mỗi trang mạng xã hội đều có những tiêu chuẩn cộng đồng; có thể con em chúng ta không biết. Tiêu chuẩn cộng đồng là tham gia đúng độ tuổi (13 tuổi trở lên) sẽ được bảo vệ một cách tương đối. Ví dụ, nền tảng Tiktok có chặn lọc nội dung cho trẻ em dưới 15 tuổi và các hạn chế khác với người dùng từ 16 – 18 tuổi, cũng có các quy định trẻ em dưới 15 tuổi không được livestream, Duet (tính năng cho phép đăng video của mình song song với video của một nhà sáng tạo khác trên TikTok), không nhận được tin nhắn từ người lạ.
Tuy nhiên, vẫn còn thực trạng trẻ em chưa đủ 13 tuổi tham gia xem TikTok hay Facebook rất nhiều. Thực tế, có rất nhiều phụ huynh lập tài khoản mạng xã hội cho con khi chưa đủ tuổi và lại còn khai man tuổi của con; cho con sử dụng tài khoản mạng xã hội của mình hoặc của người lớn. Như vậy, một mặt cha mẹ cho dạy cho con sự liêm chính, mặt khác, trẻ con dùng tài khoản khi chưa đủ tuổi hoặc tài khoản người lớn thì càng nguy hiểm hơn vì sẽ tiếp cận những thông tin không phù hợp với mình.
Theo tôi, các phụ huynh hãy khuyên con kiên nhẫn để tiếp cận những nội dung trên mạng đúng độ tuổi. Khi con đủ tuổi, phụ huynh hãy là người đầu tiên hướng dẫn, cùng con lập tài khoản mạng xã hội, tìm hiểu các tiêu chuẩn cộng đồng của trang đó, thảo luận cách thức giảm thiểu rủi ro và có các trải nghiệm lành mạnh, thú vị, thực hành văn minh trên môi trường mạng.
Kỳ nghỉ Hè này, phụ huynh nên ưu tiên dành thời gian cho con. Bởi vì có rất nhiều sự việc xảy ra trong ngày đối với các con, rất cần lời khuyên, sự đồng hành và hỗ trợ, xử lý kịp thời của cha mẹ.
Xin cảm ơn bà!