Cho con học nghề, tại sao không?

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, khi đi họp phụ huynh cho con đang học lớp 9 chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và thi chuyển cấp, chúng tôi nhận ra nhiều vấn đề khác với như đã tưởng trước đó.

Cho con học nghề, tại sao không? Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Cho con học nghề, tại sao không? Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đầu tiên là, con cái chúng ta học không khá, giỏi như điểm số. Bởi theo thầy giáo chủ nhiệm, điểm thi của các học sinh đã được “nương nhẹ” để có “hồ sơ đẹp” khi công nhận kết quả tốt nghiệp. Thực tế, kết quả khảo sát cuối kỳ nhằm đánh giá chất lượng học sinh chuẩn bị cho đợt ôn thi chuyển cấp cho biết, học sinh có điểm thi dưới trung bình là đa số, nhiều em bị điểm không.

Khoan hãy đổ lỗi cho ai với kết quả học tập như vậy, kể cả học sinh. Chúng tôi được biết, có em từng học tiếng Anh rất khá, luôn đứng đầu các tháng ở Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ, nhưng đuối dần khi xa trung tâm này, học bình thường ở trường phổ thông cơ sở.

Cuối buổi họp lớp, thầy giáo tư vấn cho phụ huynh nên cho các em thi vào trường nào hợp với năng lực của mỗi em.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, với năng lực học Toán, Văn, Ngoại ngữ… như vậy, nhiều em trong lớp nên chuyển sang học nghề. Bởi, các em không đủ khả năng theo chương trình phổ thông trung học, nếu theo được thì cũng chỉ đạt mức trung bình trở xuống. Trong khi đó, trên thực tế, hầu hết các em học sinh dốt Toán, Văn, tiếng Anh… không có nghĩa là em đó thiếu tố chất để phát triển. Có em có năng khiếu về nghệ thuật, thể dục thể thao… Nhiều em lại giỏi về nghề thủ công, các nghề thiên hướng về kỹ thuật… Quan trọng nữa, tất cả các dạng tài năng (có 8 dạng) đều nên được coi trọng như nhau.

Cuối cùng, các em dù học nghề nhưng vẫn có cách, có những con đường để học văn hóa cao hơn, lên bậc đại học và sau đại học. Khi học văn hóa trong trường nghề, thường các em học những môn, những vấn đề cốt yếu, không mất nhiều thời gian, sức lực.

Qua báo chí, chúng tôi được biết, hiện các ngành sản xuất của chúng ta đang thiếu trầm trọng những công nhân tay nghề cao, những kỹ thuật viên giỏi; thừa rất nhiều những kỹ sư, cử nhân nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành.

Mới đây, nhiều công ty than trời vì nhân công của họ bị các công ty nước ngoài chèo kéo sang nước họ làm việc. Các công ty cho biết, dù họ chấp nhận trả lương cứng cho công nhân lương tháng 15 triệu đồng, chưa kể phụ cấp, thưởng… nhưng vẫn không giữ chân được người lao động, bởi công ty nước ngoài hứa trả gấp 2 - 3 lần số đó.

Đã đến thời, các công ty tuyển dụng người làm không hoàn toàn dựa vào bằng cấp, ở hầu hết các vị trí việc làm. Cũng đã đến thời, việc lương cao hay thấp được chi trả tùy theo vị trí và năng suất, chất lượng làm việc. Do đó, các bậc cha mẹ nên để cho con tìm hướng đi phù hợp với năng lực của mình, không nhất thiết phải trở thành người có bằng cấp cao mới tạo dựng được cuộc sống của mình.

Cuối cùng, nhà trường (phổ thông cơ sở) cũng nên tư vấn thêm cho phụ huynh và học sinh nên chọn trường nghề nào, học những nghề gì… phù hợp cho từng em. Có lẽ, chúng ta không nên để hàng vạn học sinh lãng phí thời gian cho việc học thêm các môn Toán, Lý… ở phổ thông trung học mà chúng có học cũng chỉ hiểu lơ mơ. Chúng ta nên để thời gian đó (thường là 3 năm) để các em học được một nghề tinh thông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần