Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chợ hoa Hàng Lược - nét văn hóa trăm năm của Tết Hà thành

Cẩm Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một thế kỷ qua, chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) mỗi độ Xuân về đã trở thành điểm giao thương tấp nập, đồng thời là biểu tượng văn hóa truyền thống, lưu giữ ký ức Tết của bao thế hệ người Hà Nội.

Nhịp cầu gắn kết những giá trị truyền thống

Vào những ngày cuối tháng Chạp, khu phố cổ Hà Nội bừng sáng bởi sắc màu rực rỡ của hoa Xuân. Không chỉ người dân Hà Nội, du khách thập phương cũng tìm đến chợ hoa Hàng Lược để hòa mình vào không khí đậm chất Tết truyền thống.

Chợ hoa Hàng Lược đã trở thành điểm hẹn quen thuộc từ ngày 15 - 30 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Ảnh: Cẩm Tú
Chợ hoa Hàng Lược đã trở thành điểm hẹn quen thuộc từ ngày 15 - 30 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Ảnh: Cẩm Tú

Nằm trên các tuyến phố Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Rươi và Hàng Khoai, chợ hoa này đã trở thành điểm hẹn quen thuộc từ ngày 15 - 30 tháng Chạp âm lịch hàng năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lê Anh Thư, ngày xưa, mỗi dịp Tết đến Xuân về, cha mẹ thường dắt con nhỏ đi chợ hoa, chọn lựa những nhành đào, cây quất. Những ánh mắt háo hức, những tiếng cười giòn tan của trẻ thơ và cả niềm hạnh phúc giản dị khi mang mùa Xuân về nhà đã tạo nên bức tranh Tết mộc mạc đầy yêu thương.

Ngày nay, giữa nhịp sống hiện đại, khi phố phường đông đúc, thương mại trực tuyến ngày càng phát triển, chợ hoa Tết truyền thống vẫn giữ được nét duyên riêng, là nơi kết nối quá khứ và hiện tại, là nhịp cầu gắn kết những giá trị truyền thống với cuộc sống hiện đại. Người lớn tuổi đến chợ để tìm lại ký ức còn người trẻ đến đây để cảm nhận những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Nhiều bạn trẻ xúng xính áo dài check-in tại chợ hoa Hàng Lược những ngày giáp Tết. Ảnh: Cẩm Tú
Nhiều bạn trẻ xúng xính áo dài check-in tại chợ hoa Hàng Lược những ngày giáp Tết. Ảnh: Cẩm Tú

Ngoài ra, đây cũng là dịp để các tiểu thương - những người đã gắn bó cả đời với nghề trồng cây cảnh kể về tình yêu của họ dành cho đất, cho nghề và cho hương vị Tết cổ truyền.

Bà Phạm Thị Thanh - một người bán hoa lâu năm tại chợ hoa Hàng Lược chia sẻ: "Chúng tôi không chỉ bán hoa mà còn lưu giữ cả một phần văn hóa Tết của Hà Nội. Mỗi chậu hoa ở đây đều chứa đựng những giá trị về tình yêu thương, về sự mong mỏi một năm mới an khang, thịnh vượng. Người Hà Nội dù có đi đâu, về đâu, cũng luôn muốn tìm lại không khí Tết truyền thống qua những chậu hoa hay hình ảnh chợ Tết thân thuộc này".

Lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp

Mặc dù hiện nay, trong bối cảnh đô thị hóa và sự phát triển của thương mại điện tử, việc mua hoa trực tuyến hay tại các cửa hàng hiện đại trở nên phổ biến nhưng chợ hoa Hàng Lược vẫn giữ nguyên vẹn giá trị văn hóa, với những đặc trưng về phong tục, tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng mà khó có nơi nào sánh kịp.

Phố Hàng Mã được bao phủ bởi màu đỏ rực rỡ của đồ trang trí Tết. Ảnh: Cẩm Tú
Phố Hàng Mã được bao phủ bởi màu đỏ rực rỡ của đồ trang trí Tết. Ảnh: Cẩm Tú

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm), một người dân thường xuyên đến chợ hoa Hàng Lược vào dịp Tết chia sẻ: "Chợ Hoa Hàng Lược có một không khí đặc biệt mà tôi không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu.

Đây là nơi tôi có thể cảm nhận rõ ràng nhất không khí Tết trong lòng phố cổ. Không chỉ là đi mua hoa, sắm Tết mà còn là nơi ôn lại những kỷ niệm, là sự kết nối với truyền thống và những giá trị đã có từ lâu đời".

Chợ hoa Tết Hàng Lược đã trở thành một nét đặc trưng riêng trong văn hóa của người Hà Nội. Ảnh: Cẩm Tú
Chợ hoa Tết Hàng Lược đã trở thành một nét đặc trưng riêng trong văn hóa của người Hà Nội. Ảnh: Cẩm Tú

Không đơn thuần là nơi tiêu thụ các sản phẩm hoa Tết, chợ hoa Hàng Lược còn là không gian để người dân gửi gắm những ước vọng về một năm mới an lành, thịnh vượng. Theo đó, mỗi loài hoa đều mang một ý nghĩa riêng biệt trong dịp Tết.

Nếu hoa mai, hoa đào là biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở, mang lại tài lộc và phú quý thì cây quất với những trái vàng ươm tượng trưng cho sự đầy đủ, sum vầy. Trong khi đó, hoa cúc, hoa ly lại thể hiện sự thanh tao, đón chào một năm mới thanh bình.

Nhiều chủng loại hoa giả, màu sắc đẹp như thật được bày bán chủ yếu tại phố Hàng Rươi. Ảnh: Cẩm Tú
Nhiều chủng loại hoa giả, màu sắc đẹp như thật được bày bán chủ yếu tại phố Hàng Rươi. Ảnh: Cẩm Tú

Những sắc màu rực rỡ của hoa, tiếng rao của người bán, tiếng trả giá của người mua và những câu chuyện Tết thân tình… tất cả đều làm nên một không gian đặc biệt, một phần riêng có trong văn hóa Tết của Thủ đô.

Với ý nghĩa đó, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lê Anh Thư khẳng định: "Việc tổ chức chợ hoa Tết truyền thống không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của quận Hoàn Kiếm, góp phần gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc".