Người tiêu dùng mua vitamin C tại một cửa hàng thuốc trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Hoàng Lân |
Những ngày qua, song hành với “cơn sốt” khẩu trang phòng chống nCoV là việc tùy tiện dùng vitamin C hay các loại thực phẩm chức năng của nhiều người dân để chống loại virus này.
Lo lắng trước dịch bệnh do nCoV, chị Nguyễn Bảo Trâm (Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) trang bị khá cẩn thận các biện pháp phòng bệnh cho cả gia đình như khẩu trang, nước sát khuẩn, xà phòng… Tuy nhiên, để yên tâm hơn, chị Trâm đến hiệu thuốc gần nhà “khuân” đủ loại thực phẩm chức năng, vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cả gia đình. “Nhà mình có 2 cháu nhỏ, trước sự bùng phát của dịch bệnh, mình rất lo cho sức khỏe của các con. Nhân tiện trong thời gian các con được nghỉ học, mình bổ sung các chất dinh dưỡng và kèm uống vitamin C cho các con để phòng chống dịch bệnh nCoV” - chị Trâm chia sẻ.
Theo phân tích của TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cùng với nhiều vitamin và khoáng chất khác, vitamin C rất cần thiết cho sức khỏe. “Vitamin C là một trong số các vitamin giúp tăng cường chức năng miễn dịch, tăng sức đề kháng, do vậy, nên bổ sung đầy đủ vitamin C hàng ngày, đặc biệt là khi bị bệnh. Tuy nhiên, vitamin C không có tác dụng chống hay tiêu diệt nCoV như nhiều người lầm tưởng. Bởi hiện nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy, bổ sung vitamin C có thể dự phòng được bệnh viêm phổi cấp 2019- nCoV”- TS Trương Hồng Sơn khẳng định.
Cần bổ sung vitamin C đúng cách
TS Trương Hồng Sơn cho rằng, thông thường, chúng ta vẫn uống một viên C sủi với hàm lượng 500mg, cao gấp 7 lần của ngưỡng nhu cầu tăng hàng ngày. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin C cần phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng cao quá, trong quá trình lâu dài, có thể gây ra những vấn đề không tốt cho sức khỏe (như sỏi thận, sỏi thận oxalat khá cao). Vitamin C khi thừa có thể gây ra hội chứng chảy máu, rối loạn tiêu hoá. Ngược lại, khi cơ thể thiếu vitamin C, sẽ có hiện tượng chảy máu chân răng, dễ bị nhiễm trùng, lâu lành vết thương ngoài da. Vitamin C thường thiếu ở người nhiễm trùng kéo dài, nằm viện kéo dài, chế độ ăn không có rau xanh.
Vì vậy, theo chuyên gia, nếu chỉ sử dụng vitamin C thôi thì chưa đủ. Ngoài vitamin C, người dân nên bổ sung những chất dinh dưỡng khác để tăng cường sức đề kháng. Một chế độ ăn uống cân bằng với những loại thực phẩm nguyên chất chính là sự bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, giúp tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các loại virus, vi khuẩn và các dạng nhiễm trùng.
Chất xơ và các thực phẩm lên men như thực phẩm giàu bơ sữa: Sữa chua, phô mai và nấm sữa kefir; các loại rau củ lên men: Dưa muối, dưa cải muối, kim chi; đậu nành lên men: Miso, tempeh) sẽ giúp tăng cường được sự phát triển lợi khuẩn.
Bên cạnh đó, những thực phẩm cung cấp các loại vitamin và khoáng chất cũng sẽ giúp cho việc tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Các thực phẩm giàu vitamin A (gan, rau củ có màu đỏ, cam), vitamin C (rau ngót, súp lơ, bưởi), giàu kẽm, sắt chính là những thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch mạnh mẽ cho cơ thể. Hoặc những thực phẩm cung cấp các chất kháng khuẩn tự nhiên, chất chống oxy hóa như tỏi cũng giúp cơ thể chống chọi lại các mầm bệnh xâm nhập.
Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn Lại Thanh Hà cho hay, việc người dân đổ xô đi mua vitamin C để tự bổ sung, phòng chống dịch nCoV sẽ rất nguy hiểm. Bình thường, chế độ ăn hàng ngày có rau xanh và hoa quả cũng có thể đủ bổ sung vitamin C. Do đó, khi sử dụng vitamin C, bác sĩ sẽ cân đối lại chế độ ăn để sử dụng thuốc đúng liều lượng.
Bác sĩ Hà cũng nói thêm, việc dùng vitamin C đã được chứng minh tăng sức đề kháng cho cơ thể bị nhiễm trùng, bệnh ung thư, bệnh dị ứng, trường hợp ngộ độc, nghiện thuốc lá, nghiện rượu để nâng cao thể trạng. Liều lượng dùng vitamin C được khuyến cáo từ 0,2 - 0,5g/ngày, không nên uống quá 1g/ngày. “Tuy nhiên, việc có lây nhiễm bệnh hay không sẽ phụ thuộc vào chủng virus và đề kháng của cơ thể. Không phải dùng vitamin C sẽ không bị nhiễm bệnh. Vitamin C không phải là yếu tố 100% có thể phòng ngừa được bệnh” - bác sĩ Hà khẳng định.
Để phòng tránh bệnh, chuyên gia khuyến cáo, người dân cần lưu ý tránh phơi nhiễm với mầm bệnh, cần đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc nơi đông người, ăn đồ chín. Khi ho, sốt, khó thở, người dân nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị sớm. Đặc biệt, chuyên gia lưu ý, hiện nay trên mạng xã hội bán rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo giúp ngăn ngừa, chống lại nCoV. Tuy nhiên, nCoV là một chủng virus mới vẫn đang nghiên cứu, khó có thể khẳng định thực phẩm chức năng có thể ngăn ngừa bệnh. “Hiện chưa có thuốc và vaccine ngừa nCoV. Người dân lưu ý không nên nghe theo những lời quảng cáo sử dụng các sản phẩm chưa được chứng minh tác dụng dẫn tới tiền mất tật mang. Lưu ý khi bổ sung vi chất cần phải có sự tư vấn của bác sĩ. ”- bác sĩ Hà khuyến cáo.