Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chớ nên đánh tráo khái niệm

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, đứa con đang học tại một trường ở ngoại thành Hà Nội, về thông báo với bố mẹ: “Chúng con sắp được đi trải nghiệm hồ Núi Cốc”! Nó không nói là “du lịch” mà là “trải nghiệm”.

Câu chữ tiếng Việt (tiếng nào cũng vậy) rất phong phú! Học sinh du lịch tức là trải nghiệm thực tế, rời khỏi bàn ghế, sách vở để nắm bắt những gì xảy ra sống động trong cuộc sống.

Ông bà ta nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” cơ mà! Nhưng cuộc đi là do công ty du lịch tổ chức và thu tiền như đối với các du khách bình thường, chứ không có thu tiền “trải nghiệm”.

Với lý lẽ đó, các bậc phụ huynh nên cho con em mình đi trải nghiệm, giúp các cháu có thêm kiến thức phong phú. Nhưng có thực vậy không? Và tại sao lại phải đi lên hồ Núi Cốc, chứ không phải ở những điểm di tích lịch sử trong xã, huyện hay các nhà bảo tàng ở trung tâm Thủ đô, nơi đầy những điều cần để biết, để học? Và đặc biệt, những điểm đến này hầu như tốn rất ít tiền, thậm chí không mất tiền.

Đứa con lớn của chúng tôi, năm nay xin “không đi trải nghiệm” vì theo nó, đi vừa mệt, vừa đói, vừa khát. Năm ngoái, nó tham gia đi một khu du lịch được giới thiệu là hấp dẫn, nơi có bến của đoàn tàu không số xuất phát để vào Nam chi viện vũ khí cho quân giải phóng.

Thế nhưng, trên thực tế, xe đến nơi, sau khi đi loanh quanh khu du lịch theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, chúng tụ tập chơi trò chơi vận động, một số chơi, còn một số làm khán giả bất đắc dĩ… rồi về.

Tuy nhiên, điều lo lắng hơn cả cho các phụ huynh là an toàn cho nhưng chuyến đi. Theo thông báo (từ những chuyến đi trước), đoàn học sinh đi có hướng dẫn viên du lịch đi kèm, cùng thầy cô giáo và vài phụ huynh tình nguyện đi theo.

Tuy nhiên, những “kinh nghiệm đau thương” vẫn còn đó, nhiều tai nạn đau lòng đã xảy ra với đoàn học sinh đi trải nghiệm. Đã có những cảnh báo, những công văn nhắc nhở nhưng các chuyến đi vẫn chưa thể tạo sự yên tâm cho phụ huynh vì học sinh đông lên đến mấy trăm em, điểm tham quan nhiều sông, hồ, rừng, núi… Khi tai nạn xảy ra, công ty du lịch sẽ bồi thường. Nhưng có những tai nạn (ở cả các tỉnh, thành phía Nam) là không thể bù đắp.

Điều nữa, tại sao lúc thời tiết rét mướt lại tổ chức cho các cháu du lịch? Hay đây là dịp rèn luyện thân thể?

Thú thật, không phải gia đình nào cũng có tiền cho con du lịch. Em này được đi, em kia không được đi sẽ khiến em phải ở nhà mặc cảm, tự ti.

Tóm lại, việc cho học sinh du lịch - trải nghiệm là cần thiết. Tuy nhiên, việc tổ chức cho các em cần thiết là sự thiết thực. Các em có thể đến các địa điểm cần tham quan ngay trong xã, trong huyện… Riêng tại Hà Nội, nếu có thể cho các em đến công viên, bảo tàng, thư viện, các khu di tích… Hà Nội có quá nhiều địa điểm các em chưa biết cần được đến để tham quan.

Và cho dù là “trải nghiệm” hay “du lịch” gì đi chăng nữa, rất nên không để yếu tố tiền bạc chi phối nhiều vào. Bởi, không phải gia đình nào cũng dư giả tiền bạc.