Gần 370.000 người rút BHXH một lần trong 4 tháng
Trong 4 tháng đầu năm 2023, cả nước đã có 369.800 người rút BHXH một lần, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến người lao động rút BHXH một lần, một phần là do áp lực kinh tế, mất việc làm; phần khác do tâm lý của người lao động trước thông tin sửa đổi quy định về rút BHXH một lần.
Tình trạng rút BHXH một lần luôn tăng trong những năm gần đây. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn thông tin, theo số liệu thống kê từ năm 2016 đến 2022 có 4,48 triệu người rút BHXH một lần nhưng chỉ có 1,24 triệu người sau khi rút BHXH quay trở lại hệ thống, chiếm 27,7%. Những người rút BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ 20 – 30 tuổi chiếm 41,52%, từ 30 – 40 tuổi chiếm 38,6%; có 55% người rút BHXH một lần là lao động nữ.
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, những người rút BHXH một lần, ngoài nguyên nhân về kinh tế còn do văn hóa, nếp sống, đặc trưng vùng miền. Vùng đồng bằng sông Hồng có số người rút BHXH khoảng 2,23%, trong khi vùng Đông Nam Bộ là trên 5% và đồng bằng sông Cửu Long gần 11%. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng: 100% công nhân có mong muốn rút ngay BHXH một lần bởi vì người ta bị đẩy ra khỏi hệ thống BHXH chính thức và họ mong muốn có khoản tiền có thể chưa phải là để giải quyết khó khăn trước mắt, mà muốn làm công việc gì đó. Vì thế, chúng ta suy nghĩ đến chuyện này và làm sao để họ có sự kết nối bình thường trong hệ thống BHXH chính thức, như tạo việc làm.
Từ thực tế tại tỉnh Đồng Nai, Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý cho rằng khi người ta cần phải giải quyết khó khăn trước mắt thì họ vẫn cứ chọn giải pháp rút BHXH một lần. Bên cạnh đó, người lao động chưa có thông tin chính thống mà chỉ nghe được là trong thời gian tới sẽ có những thay đổi trong chính sách BHXH thì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Hầu hết người lao động rút BHXH một lần không phải để chi tiêu hàng ngày mà chủ yếu giải quyết những vấn đề tài chính cấp bách và cần thiết, đây là nhu cầu chính đáng. Cho rằng đây là vấn đề lớn, dưới góc độ chính sách, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị tính đến các kênh hỗ trợ người lao động để đảm bảo an ninh thu nhập, vấn đề bảo hiểm thất nghiệp hoặc các chính sách khác, việc làm, đào tạo nghề.
Đề xuất thế chấp khoản hưởng BHXH để vay tiền ngân hàng
Theo các chuyên gia lao động và BHXH, người lao động rút BHXH một lần sẽ bị những thiệt thòi quyền lợi cho bản thân. Khi người lao động rút BHXH một lần đồng nghĩa với tự tước đi quyền lợi khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, mất cơ hội có lương hưu khi về già, không được hưởng chế độ tử tuất… Trong trường hợp, khi người lao động lại tham gia BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH đã hưởng một lần, mà tính lại từ đầu. Như vậy, người lao động mất đi cơ hội hưởng lương hưu hoặc vẫn đủ thời gian hưởng lương hưu nhưng số tiền lương hưu sẽ rất thấp do thời gian đóng BHXH ngắn.
Các chuyên gia lao động đưa ra giải pháp, để thu hút và giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH thì tăng quyền lợi và tạo môi trường làm việc ổn định, có thu nhập thì người lao động sẽ gắn bó lâu dài. Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng BHXH TP Hà Nội Dương Thị Minh Châu nêu giải pháp: Chúng ta có chính sách bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động trong trường hợp mất việc. Nếu chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện tốt sẽ là bài toán để giảm số lượng người đề nghị rút BHXH một lần.
Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng, nếu BHXH sửa được quy định cho người lao động ở lại trong hệ thống BHXH lâu dài, với quyền lợi hấp dẫn, tốt hơn. Cùng với việc cải thiện điều kiện làm việc, có công việc ổn định cho người lao động; tăng cường tuyền truyền về tác dụng của chính sách BHXH là hết sức cần thiết, nhất là chế độ hưu trí thì họ sẽ ở lại hệ thống này.
Trong trường hợp người lao động gặp khó khăn về tài chính thì được vay vốn với lãi suất thấp. Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang phối hợp với môt số tổ chức tài chính và ngân hàng, đứng ra bảo lãnh và tín chấp, phối hợp với DN để cho người lao động vay tín dụng với lãi suất phù hợp. Lại có một số ngân hàng đề xuất phương án với cơ quan BHXH: Thay vì người lao động đến làm thủ tục rút BHXH một lần, ví dụ 30 triệu đồng thì cơ quan BHXH đề nghị họ không rút số tiền đó mà coi đó là khoản thế chấp cho ngân hàng để được vay tiền. Sau 1 – 2 năm, người lao động có tiền thì trả lại tiền ngân hàng; trường hợp không có điều kiện trả tiền thì mới làm thủ tục rút BHXH một lần. Giải pháp này được cho là thiết thực, hiệu quả, giúp đảm bảo an sinh cho người lao động khi tuổi đã cao.
Về đề xuất người lao động có thể sử dụng tiền đã đóng BHXH (sổ BHXH) như một tài sản đảm bảo cho khoản vay, nếu người lao động không trả được có thể lấy số tiền đã đóng BHXH để trả nợ, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan cho rằng: Đây là đề xuất hay nhưng để xem sổ BHXH như một tài sản đảm bảo khoản vay tín dụng thì còn liên quan đến nhiều luật khác. Cơ quan soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ tiếp tục nghiên cứu về đề xuất này.