Chị Thanh bán quần áo tại chợ Thị Nghè (Bình Thạnh) chia sẻ, ngoài khách vãng lai, chị từng có cả trăm khách hàng ruột. Thế nhưng, thời gian gần đây, lượng khách thân thiết này vơi đi già nửa.
Sau khi tìm hiểu, tiểu thương này mới vỡ lẽ, để tiết kiệm thời gian, nhiều khách đã chuyển hướng sang mua sắm online. Vì theo họ, mua qua mạng không phải chen lấn, hít bụi bẩn, tránh bị kẻ gian móc túi, lại được giao hàng đến tận nhà với giá phải chăng. Đặc biệt, các gian hàng hoạt động 24/7, không mất tiền địa điểm, ít chịu thuế phí nên giá rẻ hơn là đương nhiên.
"Cũng một chiếc váy cùng loại, nhưng giá bán qua mạng rẻ hơn chỗ tôi vài chục nghìn", chị Thanh cho biết. Do vậy, những khách thân thiết nhất của chị cũng hạn chế ghé chợ. Nhiều khi chị phải điện thoại chào mời mãi họ mới đến ủng hộ, nhưng lại chê hàng không mốt.
Không chỉ chị Thanh mà bà Hoa, tiểu thương tại chợ Bà Chiểu cũng than trước đây, nhiều khách quen đến dịp lễ là tới sạp bà mua đồ cho cả gia đình. Nhưng nay mỗi lần có hàng mới, dù chủ động nhắn tin mời mọc, họ đều từ chối và cho biết đã mua nhiều hàng qua kênh online với giá rẻ.
Cách đây vài năm, nếu một ngày bà bán được hơn triệu đồng tiền quần áo thì nay may lắm chỉ được vài trăm nghìn, có hôm còn không bán được cái nào. Chính vì vậy, tiểu thương này cũng ít cập nhật hàng mới hơn.
“Giờ chỉ còn những khách nào kỹ tính, họ phải mặc thử trước khi mua đồ thì mới ghé, còn hầu hết người dùng toàn tranh thủ mua và thanh toán qua online. Nếu thời gian tới lượng khách không cải thiện, chắc tôi cũng tính cách kết hợp bán hàng trên mạng với sạp truyền thống”, bà Hoa nói.
Không chỉ nhóm quần áo mà hàng gia dụng, thậm chí là đồ ăn tại các chợ truyền thống, sức mua cũng kém hơn trước. Bởi lẽ, người tiêu dùng ngày càng quen dần với đặt hàng qua mạng.
Chị Loan, bán thịt tại chợ Thị Nghè cho biết, hiện nay trên mạng xuất hiện rất nhiều cửa hàng online bán thực phẩm tươi sống và chế biến sẵn. Đặc biệt, các website bếp ăn gia đình mọc lên nhan nhản nên lượng khách ghé chợ truyền thống không còn được sôi động như xưa. Nếu trước đây một ngày chị bán cả trăm kg thịt thì nay đắt lắm cũng chỉ vài chục ký.
Nhiều khách quen cho biết, thay vì mua thực phẩm về chế biến thì họ chọn những website bán hàng online có dịch vụ sơ chế nguyên liệu trước, thậm chí là nấu sẵn.
“Vì các website ẩm thực biết cách nấu ăn theo yêu cầu của khách nên đã phần nào lấy bớt người tiêu dùng của chợ truyền thống. Thế nên, thay vì chỉ bán tại chợ tôi còn lựa chọn thịt tươi, ngon giao sớm cho khách quen, hoặc giao hàng thêm cho các quán ăn”, chị Loan chia sẻ.
Cũng chính vì thực trạng trên mà hiện nay nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP HCM như An Đông, Tân Bình, Thủ Đức hầu hết ban quản lý và tiểu thương đều mong muốn lập website để có thể kinh doanh online.
Tháng 5 vừa qua, ban quản lý chợ Bến Thành đã công bố sẽ triển khai vận hành website thương mại điện tử của chợ. Hiện, hoạt động của website mới chỉ diễn ra trong phạm vi nội bộ giữa ban quản lý với tiểu thương.
Theo ban quản lý ở đây, khi website được công bố rộng rãi, toàn bộ 1.446 sạp hàng đang kinh doanh tại chợ sẽ được cấp tài khoản trên trang điện tử để giới thiệu sản phẩm hàng hóa, giá cả, hình thức mua bán. Tiểu thương sẽ tự quản lý và chịu trách nhiệm về thông tin của sạp mình. Khách hàng, du khách có thể tìm hiểu sản phẩm, giá cả từng sạp hàng để lựa chọn trước khi đến chợ.
Khi website đi vào hoạt động chính thức, chợ Bến Thành cũng sẽ được phủ sóng wifi miễn phí. Ban quản lý chợ cũng sẽ trang bị máy tính lớn tại bốn mặt để khách hàng và du khách dễ dàng truy cập thông tin.
Khách đến chợ truyền thống không còn nhộn nhịp như xưa. Ảnh: Hồng Châu.
|