Bỏ nhà khang trang ở nhà xập xệ Chị Thu Thuỷ (ở Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) có ngôi nhà 2 tầng, diện tích mặt bằng chừng 60m2, rất thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán. Trước đây, rất nhiều người đến hỏi thuê tầng 1 nhà chị để kinh doanh nhưng chị không đồng ý. Thế nhưng, tại thời điểm này, sau nhiều ngày đắn đo, vì không sử dụng hết diện tích; thu nhập hai vợ chồng giảm, chi tiêu phải tằn tiện... chị Thuỷ quyết định cho thuê cả căn nhà với giá 18 triệu đồng/tháng. Trước khi cho thuê nhà, chị Thuỷ đã tìm một phòng trọ ưng ý, rộng 35m2 ở tầng 5 của khu tập thể phố Nguyên Hồng (Đống Đa, Hà Nội), giá 4 triệu đồng/tháng, để ở. Vậy là hàng tháng, chị Thuỷ có khoản chênh 14 triệu đồng để cải thiện cuộc sống gia đình. Ngoài nguyên nhân về tài chính, nhiều công nhân viên chức có nhà riêng cũng cho thuê rồi đi thuê nhà ở để thuận tiện việc đi lại. Đặc biệt, mỗi buổi sáng "một nách hai con", vừa cho con ăn, vừa đưa con đến lớp trong tình trạng kẹt xe như hiện nay, ở gần cơ quan là một giải pháp tối ưu. Chính vì thế, vợ chồng chị Trương Thị Hoa, 36 tuổi, kế toán, ở phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cũng gói gém đồ đạc đưa cả nhà tới chỗ ở mới. Xa ngôi nhà đã gắn bó 10 năm với mình, chị Hoa cũng rất ngậm ngùi. Tuy nhiên, công ty của vợ chồng chị Hoa ở khu Linh Đàm, hàng ngày đi lại rất bất tiện. Từ nhà đến chỗ làm phải mất hơn nửa tiếng, những hôm đường tắc, anh chị phải muộn làm cả tiếng đồng hồ. Vì thế, vợ chồng chị Hoa đã quyết định cho thuê ngôi nhà hiện tại, chuyển về thuê ở Linh Đàm, tiện cho công việc của mình.
Ngôi nhà 5 tầng chị Vân thuê rồi đem cho thuê lại.
Ngôi nhà ở mặt tiền (trong ngõ rộng) phố Thái Thịnh, anh chị cho thuê được 25 triệu đồng/tháng, trong khi thuê chỗ ở mới chỉ mất 5 triệu đồng/tháng. Chị Hoa tâm sự: "Nhà thuê không đẹp và tiện nghi như nhà mình nhưng gần chỗ làm và tiện cho việc học của con. Nhờ vậy, mình có thêm thời gian để chăm sóc con và không còn lo trễ giờ làm. Ai cũng hiểu, đi ở nhà thuê, bất tiện đủ đường nhưng vì nhiều lý do nên... phải chịu”. Lý do tắc đường, có thời gian chăm sóc con rất quan trọng nhưng tiền chênh hơn 20 triệu đồng/tháng từ cho thuê nhà - ở nhà thuê cũng rất ý nghĩa với một gia đình viên chức bình thường. Chị Hoa cho biết thêm, chị dùng tiền đó, góp vốn kinh doanh cùng một người bạn. Vừa kiếm được thêm tiền, vừa tiết kiệm hơn khi ở nhà nhỏ nên nhiều người rất an tâm khi cho thuê nhà của mình để đi ở thuê. Thuê nhà rồi... cho thuê lại Cũng theo tìm hiểu của PV, xây nhà cho thuê đang là hướng đi an toàn của người kinh doanh tại các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều lao động, những người thu nhập thấp và người từ các tỉnh xa về thành phố lập nghiệp. Tại Hà Nội, ở khu vực tập trung nhiều dân cư các tỉnh đến ở để làm việc như khu công nghiệp Bắc Thăng Long, làng Phùng Khoang, Triều Khúc (Thanh Xuân); Dịch Vọng, Đồng Xa (Cầu Giấy); Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Tây Mỗ, Đại Mỗ (Từ Liêm), số người đến thuê nhà chiếm tới 60-70% số dân của địa phương. Trên thực tế, để thuê được một phòng ở với giá hợp lý, an ninh tốt, ở lâu dài không phải là điều đơn giản, nhất là tại khu vực trung tâm thành phố. Ngoài mức giá cao, diện tích nhỏ, nhiều người chọn giải pháp thuê nhà tại các quận xa trung tâm hay đứng ra thuê hẳn một căn nhà tầng rồi cho thuê lại. Anh Nguyễn Hải, đang thuê căn nhà 2 tầng ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: "Tôi thuê cả căn nhà là 6 triệu đồng/tháng. Sau đó, tôi chia nhỏ thành 4 phòng, cho thuê lại, mỗi phòng 2 triệu đồng/tháng. Tính ra, tôi vẫn lời 2 triệu đồng/tháng chưa kể được dùng điện, nước "miễn phí", lại không mất tiền thuê nhà cho chính mình ở". Theo khảo sát của PV, quy mô và diện tích khác nhau nhưng một phòng trọ có giá thuê trung bình từ 1-3 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể các khoản tiền dịch vụ, những phụ phí kèm theo phát sinh trong tháng. Vì thế, nhiều chủ đầu tư xây nhà cao tầng với nhiều phòng riêng, lẻ theo dạng chung cư mini cho thuê, mỗi căn nhà thu về khoảng vài chục triệu đồng/ tháng. Cũng lựa chọn phương án thuê nhà rồi cho thuê lại để kiếm tiền chênh lệch, chị Nguyễn Thị Vân (Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội) đã thuê cả ngôi nhà 5 tầng với 8 phòng ở, trong một ngõ nhỏ trên đường Giải Phóng với giá 12 triệu đồng/tháng. Vốn ngôi nhà này được bà chủ thiết kế để kinh doanh nhà nghỉ nên phòng được thiết kế khép kín, lại có cả điều hoà, bình tắm nóng lạnh. Sau khi thuê ngôi nhà với giá cũng khá "mềm", chị Vân đã đăng tin trên mạng cho sinh viên, hộ gia đình thuê lại với giá 3 triệu đồng/phòng, tiền điện 4.000 đồng/số, tiền nước 50.000 đồng/người. Mặc dù "ăn chênh" được 1 triệu đồng/phòng so với giá mình đi thuê, nhưng chị Vân vẫn được tiếng "thoáng" với khách thuê trọ là cho "mượn" bình nóng lạnh, điều hoà sử dụng "vô tư". Theo nhẩm tính, mỗi tháng chị Vân kiếm thêm được 8 triệu đồng chưa kể tiền điện... giá cao. Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Nga, xu hướng cho thuê nhà để đi ở nhà thuê, thậm chí là thuê nhà rồi cho thuê lại đều là lựa chọn thông minh, tăng thu nhập. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, người nào biết tận dụng cơ hội, người đó sẽ kiếm được những đồng tiền chính đáng. Mặc dù nhiều người lựa chọn giải pháp cho thuê nhà, đi ở nhà thuê để có khoản tiền dôi ra bù vào chi phí hàng tháng, song cũng không ít người ăn "quả đắng" khi suy tính thiệt hơn.
Hệ lụy của trào lưu kinh doanh nhà cho thuê Anh Tuấn (đường Giải phóng, Hoàng Mai, Hà Nội) là một trong những nạn nhân của "kế hoạch" cho thuê nhà, đi ở nhà thuê. Sau khi thuê nhà được 2 tháng, toàn bộ đường nước bị hỏng, tường bị ngấm… anh Dũng đã phải chi gần 6 triệu sửa chữa. Ấy vậy mà vừa sửa chữa xong, chưa ở được bao lâu, chủ nhà đã đòi lại nhà. Họ còn bảo cần lấy lại nhà gấp và sẵn sàng đền hợp đồng. Bất ngờ bị đòi nhà gấp gáp, anh Tuấn đành phải đi tìm thuê nhà khác. Việc tìm thuê gấp một căn nhà như ý không phải dễ, cả nhà anh Tuấn phải mất gần 2 tuần mới thuê được một phòng rộng chừng 20m2 trên tầng 4 với giá 3 triệu đồng/tháng. Nghĩ đến việc mình có nhà khang trang mà phải vất vả đi kiếm nhà để thuê, vợ chồng anh Tuấn cảm thấy rất khó chịu nên quay sang trách cứ nhau. |