Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chợ truyền thống Đà Nẵng vắng khách dịp cận Tết

Minh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cận kề nhưng hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Đà Nẵng lại rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách.

Thói quen của người tiêu dùng thay đổi

Khảo sát vài chợ truyền thống lâu đời tại Đà Nẵng dịp cuối năm, mặc dù đang là giờ cao điểm mua sắm nhưng không khí ảm đạm hơn những năm trước. Đến 9h30 sáng nhưng nhiều ki ốt còn chưa mở cửa, các gian hàng quần áo, giày dép, đồ gia dụng, hàng tạp hóa vắng bóng khách. Trong khi đó, các gian hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống cũng chỉ có lác đác người đến hỏi mua.

Tại chợ Đầu mối Hòa Cường, mặt hàng chủ yếu là hàng nông sản phục vụ cho người dân TP, bình quân hiện nay có khoảng 300 - 320 tấn rau củ quả về mỗi ngày. Do tình hình kinh tế khó khăn chung nên sức mua ước tính giảm khoảng 20%.

Sản lượng hàng rau củ quả về tại Chợ đầu mối Hoà Cường (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng) giảm 20% do sức mua giảm. Ảnh: Minh Phương
Sản lượng hàng rau củ quả về tại Chợ đầu mối Hoà Cường (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng) giảm 20% do sức mua giảm. Ảnh: Minh Phương

Bà Lương Thị Đây - tiểu thương bán vải chợ Đầu mối Hòa Cường chia sẻ: “Thời gian gần đây, tình hình mua bán ở chợ chậm chạp, sức mua kém xa so với mấy năm trước. Chúng tôi cố gắng hằng ngày ra chợ, bán được đồng nào hay đồng đó”.

Nói về tình trạng buôn bán ế ẩm, bà Đây cho rằng một phần ảnh hưởng từ việc live stream bán hàng qua mạng, hàng hóa đưa trực tiếp, trong khi hàng của tiểu thương chợ truyền thống phải qua mấy giai đoạn, từ thuế, phí chợ. Hơn nữa, hiện nay nhiều người dân không có việc làm nên không có tiền để mua sắm.

Chung cảnh ngộ, bà Trần Thị Lệ Phương – tiểu thương ngành hàng bánh kẹo nhiều năm ở chợ Cồn than thở: “Năm nay người sản xuất cũng không dám làm ra mà người mua hàng cũng không dám mua hàng. Nhiều người khi mua sắm hiện nay vì muốn tiết kiệm chi phí nên thường so đo giá khi đi chợ và khi mua hàng qua mạng. Chúng tôi phải chịu phần thuế nhiều nên không có lợi thế về giá cả so với các kênh trên mạng dẫn đến việc sụt giảm lượng khách”.

Ông Diệp Hoàng Thông Anh - Trưởng Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường chia sẻ: “Khó khăn chung của chợ là hoạt động giảm 20%. Thu nhập của người lao động cũng giảm do sức mua giảm”.

Trong giai đoạn khó khăn này, Ban quản lý chợ tiếp tục tăng cường công tác phục vụ cho bà con tốt nhất. Tiếp đến là kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập về chợ để tiểu thương yên tâm hộ kinh doanh.

 

“Nguyên nhân chợ truyền thống vắng khách phần nào do bán hàng tự phát trên vỉa hè. Hiện nay người dân bán hàng rong đầy đường nhưng chưa được xử lý triệt để. Tình trạng bán hàng ở dọc vỉa hè đường phố trở nên phổ biến, không đảm bảo an toàn giao thông, tác động trực tiếp đến sức mua của chợ”- ông Nguyễn Đức - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Cường nói.

Nói về nguyên nhân sức mua tại chợ giảm, ông Anh cho rằng, sau dịch bệnh Covid-19, phương thức giao nhận hàng đã có sự thay đổi nhất định. Từ bán hàng trực tiếp, nhiều người đã chuyển qua phục vụ tận nơi, bà con hộ kinh doanh cũng phải thay đổi phương thức kinh doanh.

“Trước đây, khách hàng tới chợ mua hàng, bây giờ họ đặt hàng thì tiểu thương vận chuyển đến nơi. Đây là sự thay đổi cho phù hợp với xu thế giao nhận hàng. Bản thân hộ kinh doanh cũng phải thay đổi theo xu thế đó để phục vụ khách hàng tốt nhất, thuận lợi nhất. Cho nên trên thực tế khách hàng đến chợ ít hơn, nhưng lượng hàng vẫn tiêu thụ được” - ông Diệp Hoàng Thông Anh cho hay.

Nhìn chung, các chợ truyền thống hiện nay đều gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Chợ Cồn nức tiếng Đà Nẵng lâu nay cũng rơi vào tình cảnh tương tự.  Ông Phan Thành Thoại - Trưởng Ban quản lý chợ Cồn cho biết: “Các ngành hàng không thiết yếu như áo quần, vải, giày dép, mũ… tại chợ đã giảm sức mua rõ rệt. Các ngành hàng thiết yếu phục vụ cho dân sinh cũng không được người dân mua nhiều so với trước đây”.

Chợ Cồn – một trong những khu chợ nổi tiếng nhất nhì Đà Nẵng đến cận Tết vẫn chưa có nhiều người đến mua sắm. Ảnh: Minh Phương
Chợ Cồn – một trong những khu chợ nổi tiếng nhất nhì Đà Nẵng đến cận Tết vẫn chưa có nhiều người đến mua sắm. Ảnh: Minh Phương

Theo ông Thoại, hiện nay những kênh bán lẻ, các siêu thị và kênh shipper, hình thức bán hàng online trực tuyến có lợi thế phục vụ tận tình đến tận nhà, giá cả rẻ hơn chợ truyền thống.

Để khách hàng quay lại với chợ truyền thống

Hiện nay, kênh bán lẻ trên các trang mạng rất nhiều, phát triển mạnh. Vì vậy, Ban quản lý các chợ truyền thống ở Đà Nẵng đã đưa ra những khuyến cáo, như hộ kinh doanh cần phải thay đổi phương thức mua bán với các phương án hiện đại hơn. Tạo ra trang web bán hàng chẳng hạn.

Mới đây, Ban quản lý chợ các chợ truyền thống ở Đà Nẵng đã phối hợp với Viettel, cũng như các công ty khác tổ chức cập nhật thông tin, ứng dụng công nghệ vào việc kinh doanh với phương ứng tạo trang web cho hộ kinh doanh tham gia.

Tình trạng bán hàng tự phát tác động đến sức mua của chợ. Ảnh: Minh Phương
Tình trạng bán hàng tự phát tác động đến sức mua của chợ. Ảnh: Minh Phương

Ban quản lý cũng đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu mua sắm, ví dụ như: “Đi chợ Tết nhận quà trúng thưởng”. Khi khách mua 1 sản phẩm trị giá 500 nghìn đồng thì mỗi hóa đơn sẽ được 1 phiếu và được điều kiện ra bốc thăm trúng thưởng. Tất cả sản phẩm đều nằm ở giá trị từ 50 nghìn đến 500 nghìn đồng.

Đặc biệt, từ tháng 12/2023 đến 2/2024, Sở Công Thương TP Đà Nẵng đã, đang và sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, khuyến mại, kích cầu mua sắm trên toàn TP.

Mặc dù chợ truyền thống đang gặp nhiều khó khăn do thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi, một phần ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, chợ truyền thống có những thế mạnh nhất định mà nếu phát huy được để phù hợp với xu thế thì vẫn sẽ đủ sức cạnh tranh. Đơn cử như các mặt hàng tươi sống, hay những khu ẩm thực, đến chợ vẫn có những nét riêng biệt, độc đáo.  

Các mặt hàng áo quần, giày dép... tại các chợ truyền thống rất ít khách mua. Ảnh: Minh Phương
Các mặt hàng áo quần, giày dép... tại các chợ truyền thống rất ít khách mua. Ảnh: Minh Phương

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tổ chức các phương tiện và dịch vụ mua bán cho tiểu thương, kể cả văn hóa ứng xử để làm sao cho khách hàng đến chợ hài lòng và cảm giác như khi đi đến siêu thị hoặc đến một tour hành trình với sự thoải mái, nhẹ nhàng, không bị áp lực, không bị hộ kinh doanh dùng những lời lẽ khiếm nhã.

Ban quản lý các chợ truyền thống Đà Nẵng cho biết, nhiệm vụ năm 2024 là sẽ phối hợp với các đơn vị, ban ngành, địa phương để tổ chức giao thông thuận lợi, phối hợp với các đoàn thể như Hội Liên hiệp phụ nữ vận động các ngành hàng trình bày, sắp xếp lại hàng hóa gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ; bán hàng theo giá niêm yết để tạo niềm tin cho hộ kinh doanh và chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, xây dựng lại thương hiệu để tự mình khẳng định với khách hàng và từ đó có thể mở rộng thêm các kênh bán hàng online cho phù hợp với dịch vụ hiện đại ngày nay.