Khu vắng, nơi đông
Là một trong những khu chợ truyền thống lâu đời và nổi tiếng của Hà Nội. Từ năm 2014, chợ Mơ được "đưa xuống lòng đất", hoạt động buôn bán bên trong tầng hầm của tòa nhà.
Chợ Mơ truyền thống hiện nay là địa điểm kinh doanh đa dạng mặt hàng, được bố trí khá thông thoáng, sạch sẽ. Các quầy được quy hoạch cụ thể để tăng tính khoa học, đảm bảo vệ sinh môi trường. Chợ chia thành các khu bán đồ khô, quần áo, vải vóc, đồ thủy sinh, vàng mã...
Công trình Trung tâm thương mại chợ Mơ được xây dựng trên diện tích đất 11.000m2 của chợ Mơ cũ, là một tổ hợp gồm hai khối tháp cao 15 tầng và 25 tầng dành cho siêu thị, văn phòng, chợ truyền thống tại Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tuy nhiên, do nằm ở tầng hầm nên khách lạ khó tìm đến. Nhiều ki ốt do không bán được hàng nên các tiểu thương buộc phải bán, sang nhượng hoặc thậm chí đóng cửa để tìm phương hướng kinh doanh mới.
Cô Hằng - chủ một gian hàng bán đồ gia dụng tại chợ cho biết, do chợ nằm dưới hầm nên phải gửi xe ở bên ngoài, leo thang bộ, khách khó tìm đến nên kinh doanh càng khó khăn hơn trước.
"Ngoài ra những mặt hàng gia dụng như của tôi khó cạnh tranh lại với xu thế mua sắm trên mạng hoặc các cửa tiệm tạp hoá chỉ khi nào cần mua nhiều và đa dạng lựa chọn mới vào đây. Nhiều người không trụ được mà đóng cửa ki ốt, sang nhượng chuyển hướng làm ăn khác" - cô Hằng cho hay.
Sau 9 năm hoạt động, điểm thu hút của khu chợ là khu vực ăn uống khá khẩm hơn so với các quầy hàng khác. Trao đổi với phóng viên, chị Minh Hằng - chủ một quầy bán bún cho biết, lượng người dân xuống đây đã đông hơn trước, nhưng chủ yếu là khách quen, người trẻ, dân văn phòng xuống các gian hàng ẩm thực, còn khu quần áo, đồ gia dụng thì ế khách.
"Cực kỳ đông khách, nhất là từ 11 giờ trưa trở đi các quầy hàng ăn có xu hướng bán được. Bởi vì ở đây bán giá hợp lý, ngon bổ rẻ nên khách văn phòng xuống rất đông" - chị Hằng chia sẻ.
Tuy nhiên, chị Hằng cho biết thêm, thực tế cũng không thể bán tốt như trước đây, vì chợ truyền thống hiện tại khó cạnh tranh lại với các trung tâm thương mại hay các sàn giao dịch điện tử.
Tình trạng chung
Không chỉ riêng chợ Mơ, tại chợ Hôm, Hàng Da dù có vị trí đẹp nhưng hiện nay luôn trong tình trạng vắng vẻ, thưa thớt khách ra vào. Ở tại 2 khu chợ này, cảnh các ki ốt dán niêm phong do quá thời hạn sử dụng xuất hiện ở mọi nơi.
Bà Hương - chủ một quầy bán quần áo ở chợ Hàng Da chia sẻ, vì đã buôn bán lâu năm nên khách quen mua hàng là chủ yếu, trong khi ngày thường rất vắng. Lượng khách có tăng lên vào các dịp lễ khi tại chợ bán đầy đủ mặt hàng, nhưng không được nhộn nhịp như trước.
"Những người ở đây đều đã kinh doanh lâu năm, có tuổi rồi nên cũng chỉ buôn bán cầm chừng, không dám ôm nhiều vì e ngại không bán được" - bà Hương cho hay.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 7 khu chợ truyền thống được chuyển đổi sang mô hình chợ kết hợp trung tâm thương mại.
"Đa số các chợ đều có vị trí được quy hoạch hợp lý, vị trí rất đẹp thế nhưng kiến trúc không thu hút; không gian văn hóa, giao thông bên trong chợ không được đầu tư... Cần nghiêm túc xem xét quy hoạch lại những vấn đề trên chợ truyền thống sẽ có cơ hội phát triển song hành với các kênh phân phối khác" - thạc sĩ Luật kinh tế Lê Xuân Bách
Các tiểu thương đều chia sẻ, họ vẫn bám trụ được do trung tâm thương mại đang có chính sách ưu đãi việc cho thuê ki ốt. Mặc dù được đầu tư đồng bộ, cơ sở hạ tầng tốt nhưng không đủ sức cạnh tranh với các chợ tạm, chợ cóc hoặc phân khúc cao hơn là các trung tâm thương mại lớn, được đầu tư hoặc các sàn giao dịch điện tử (Shopee, Lazada...).
Về vấn đề này, thạc sĩ Luật kinh tế Lê Xuân Bách nhìn nhận, chợ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Ngoài việc phục vụ bà con nghèo, thu nhập thấp thì chợ cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của các tầng lớp dân cư trong xã hội.
Để tiểu thương đang buôn bán tại các mô hình này có thể thúc đẩy giao thương cần xem xét những yếu tố nào thu hút người dân tới, ví như chợ Mơ có quầy hàng ẩm thực đem đến lượng khách đều đặn, nếu khai thác được tiềm năng này như tổ chức không gian văn hóa, bố trí giao thông hợp lý... sẽ có thể tạo cơ hội cho chợ trở thành điểm đến hấp dẫn.