“Cuộc chiến” chọn ngành, chọn nghề
Nhiều tháng nay, gia đình chị Hoàng Thu Lan, trú tại quận Hoàng Mai sống trong trạng thái rất căng thẳng, nguyên nhân chính xuất phát từ việc chọn trường, chọn ngành của cậu con trai lớn.
“Mỗi ngày con chọn một trường làm cả nhà đau đầu theo. Lúc đầu con nói thích Bách khoa, lúc sau lại chuyển sang Giao thông, Xây dựng. Sau hồi khuyên giải không thành, vợ chồng tôi đành động viên con suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ, căn cứ vào sở thích của bản thân trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”, chị Lan kể lại.
Không giống nhà chị Lan, anh Ngô Mạnh Đạt trú tại quận Cầu Giấy chia sẻ chuyện chọn nghề rối như bòng bong của gia đình mình. Theo anh Đạt, con gái anh chọn ngành Vi mạch – bán dẫn với suy nghĩ ngành này hot và đang là xu thế của tương lai. Anh Đạt cho rằng, ngành này không phù hợp với con gái nên khuyên con thi ngành sư phạm. Phản đối định hướng của bố, cô con gái của anh kiên quyết theo đuổi ngành bán dẫn theo mong muốn của mình.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện liên quan đến việc chọn ngành, chọn nghề, chọn trường của thí sinh và các gia đình hiện nay. Chọn ngành trước hay chọn trường trước? Chọn ngành yêu thích hay chọn ngành hot? Chọn ngành bố mẹ mong muốn hay chọn ngành mình đam mê?...là những câu hỏi phổ biến được đặt ra.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, hiện nước ta có khoảng 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng cùng hệ thống các trường trung cấp. Số ngành ở bậc đại học là gần 500, số nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp cũng tương tự. Do vậy các thí sinh có rất nhiều sự lựa chọn về trường học, ngành học.
Tuy nhiên, cơ hội được mở rộng, sự thuận lợi càng tăng thì sự lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh lại có phần khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội đôi khi làm cho học sinh, phụ huynh bị rối; thậm chí hiểu lệch, hiểu không đúng về ngành, nghề nào đó.
“Mỗi năm, số lượng thí sinh xét tuyển trúng tuyển vào đại học khoảng 600.000 em, nhưng số lượng nhập học chính thức chỉ đạt khoảng 80%, như vậy 20% thí sinh đã trúng tuyển nhưng không nhập học. Điều này cho thấy khi các em đăng ký nguyện vọng đến lúc các em lựa chọn trường học, ngành học lại có sự khác nhau. Ngoài ra, sau năm thứ nhất thì khoảng 5 - 7% sinh viên phải đăng ký xét tuyển lại. Như vậy, số em đã chọn sai hay chọn chưa phù hợp khi đăng ký nguyện vọng là rất nhiều”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin.
Cần xác định năng lực bản thân
Chia sẻ với băn khoăn của thí sinh về vấn đề chọn trường, chọn ngành, các chuyên gia tư vấn tuyển sinh đã bày tỏ nhiều quan điểm, kinh nghiệm để định hướng và giải tỏa cho thí sinh, phụ huynh.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương nhấn mạnh: Ngành hot hay không hot phụ thuộc vào chính mỗi sinh viên. Thay vì chạy theo ngành hot hãy biến mình trở thành người hot.
Các thí sinh hãy cho mình nhiều cơ hội bằng cách tạo nhiều năng lực cốt lõi. Các em không nên học một ngành duy nhất mà hãy học theo hướng tiếp cận liên ngành. Nếu giỏi một ngành nào đó nhưng tự mở rộng kiến thức liên ngành, đa ngành và đẩy năng lực của mình tới mức rất cao thì việc tìm kiếm việc làm, đạt được mức lương như mong muốn là điều không khó.
Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương nhấn mạnh, chọn ngành, chọn nghề liên quan đến cả tương lai rất dài. Không phải chọn rồi thì sinh viên bị bó buộc vào ngành đó. Mỗi sinh viên có rất nhiều cơ hội. Quan trọng là các em chiếm lĩnh cơ hội đó như thế nào.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nếu thí sinh muốn học một ngành để tồn tại thì chọn ngành “hot”, ngành xã hội đang cần, nhưng muốn một công việc mà mình có thể đam mê, sáng tạo thì chọn ngành yêu thích và có năng lực đáp ứng.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo phân tích: “Ngành xã hội cần thì trong thời điểm ngắn, thí sinh học xong có thể dễ tìm việc làm, nhưng về lâu dài, đam mê sẽ là động lực kích thích để các em phát triển, tiến lên nếu các em thực sự theo đuổi ngành mình yêu thích".
Đồng quan điểm, TS Phan Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Thương mại bày tỏ, ngành “hot” chỉ là xu hướng mang tính thời điểm và sẽ có sự thay đổi trong khoảng 5-10 năm.
Theo TS Phan Đình Quyết, nếu học ngành mình thích, các em sẽ học với tâm thế đam mê và vì thế học được tốt nhất. Khi trang bị tốt các kiến thức, kỹ năng liên quan đến ngành nghề đó thì không lo không tìm được việc làm phù hợp sau khi ra trường.
“Quan trọng nhất là xác định năng lực của bản thân mình, sau đó hãy chọn ngành phù hợp vì ngành "hot" hôm nay chưa chắc đã là ngành "hot" trong 5 năm nữa” - PGS. TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa cho biết.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT gợi mở: Ngay từ đào tạo phổ thông đã có nhiều khóa học, học phần liên quan định hướng nghề nghiệp. Đây là cơ hội để học sinh khám phá bản thân xem thế mạnh của mình ở đâu, niềm đam mê của mình là gì, mong muốn cống hiến và tiếp tục đào sâu ở đâu; từ đó có thể tự định hướng nghề nghiệp tương lai của mình. Lên bậc đại học, các giảng viên sẽ tiếp tục mài giũa, chắp cánh cho ước mơ của các em.
Thí sinh đừng vội chạy theo ngành hot. Các em cần xem xét nhiều yếu tố liên quan như: ngành đó có phù hợp với năng lực, sở trường của mình hay không? Ngành đó có phát triển không? Gia đình có đủ khả năng tài chính để theo học không? Bản thân có đủ điểm xét tuyển hay không?” – PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa.