Đào tạo “Học nghề có lương”
Kinhtedothi - Với chương trình đào tạo “Học nghề có lương” đã giúp học sinh các trường trung cấp, cao đẳng được rèn luyện kỹ năng chuyên môn, DN đón nhận ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Và với chương trình này, các em làm chủ tay nghề khi tốt nghiệp, tăng lợi thế cạnh tranh khi ra trường, tự tin bước vào thị trường lao động.
Thực tập tại doanh nghiệp có lương
Trong dòng chảy không ngừng của công nghệ và hội nhập quốc tế, làm chủ kỹ năng nghề vững chắc chính là chìa khóa vàng mở cánh cửa tương lai. Để giúp học sinh làm chủ kỹ năng nghề, các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện những giải pháp cũng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô. Để tạo dựng môi trường đào tạo chất lượng cao, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ và tiên tiến, hệ thống phòng học được trang bị đầy đủ các phương tiện giảng dạy hiện đại. Nhà trường xây dựng nhà xưởng rộng rãi, thiết kế khoa học, sinh viên được trực tiếp làm việc trên hệ thống máy móc, dây chuyền công nghệ tiên tiến.
Chia sẻ về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội Bùi Kim Dương cho biết: nhà trường đang đào tạo 9 ngành theo chuẩn mô hình Hàn Quốc, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay, đó là: Cơ khí, Điện Công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Cơ điện tử, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin... Nhà trường kết hợp với các DN có các trang thiết bị mới hiện đại cùng với đội ngũ giáo viên để thiết kế chương trình, giáo trình và xây dựng kế hoạch đào tạo linh hoạt. Các chương trình đào tạo được xây dựng với thời lượng 30% lý thuyết, 70% thực hành; học sinh, sinh viên được học ở nhà trường và DN. Học sinh, sinh viên thực tập tại DN được trả lương từ 5 - 7 triệu đồng/tháng... khi tốt nghiệp có kỹ năng tay nghề, được DN tuyển dụng vào làm việc ngay.

Giờ học thực hành nghề Công nghệ ô tô của học sinh Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội.
Năm 2025, Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội có 15 ngành nghề đào tạo, trong đó có 3 ngành nghề mới; với quy mô tuyển sinh khoảng 1.000 học sinh. Các ngành nghề được nhà trường đào tạo và tuyển sinh năm nay là Công nghệ thông tin, Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Truyền thông đa phương tiện, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp, các ngành ngôn ngữ... Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo “Học nghề có lương” với mô hình đào tạo “Học nghề tại DN”. Học sinh được thực học, thực nghiệp nhờ chương trình đào tạo kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết – thực hành – thực tế tại DN. Với những ngành kỹ thuật, trong quá trình học sinh vừa học tại trường vừa đi thực tập tại DN học sinh được hỗ trợ từ 25 đến hơn 40 triệu đồng/năm, tùy theo năng lực và thời gian làm việc tại DN. Đặc biệt, nhà trường duy trì quan hệ hợp tác, gắn kết chặt chẽ với các DN lớn trong và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm ngay.
Các ngành công nghệ, kỹ thuật, dịch vụ hấp dẫn học sinh
Để giúp học sinh trường THCS, THPT hiểu rõ về các ngành nghề đào tạo, trước thời gian tuyển sinh trung cấp, cao đẳng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, Hội nghị tư vấn định hướng phân luồng tuyển sinh và giới thiệu việc làm cho học sinh. Khi tham gia các sự kiện này, học sinh THCS có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn ngành nghề trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội Phạm Quang Vinh cho biết, căn cứ vào số lượng học sinh đăng ký dự tuyển ở trường cho thấy một số mã ngành thu hút nhiều các em, đó là: Công nghệ ô tô, Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin, Công nghệ AI. Các ngành dịch vụ như Truyền thông đa phương tiện, Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp cũng được nhiều em học sinh quan tâm. Học sinh tốt nghiệp các ngành nghề kỹ thuật có mức lương từ 8 - 12 triệu đồng/tháng. Các em tốt nghiệp ngành nghề dịch vụ có mức thu nhập cao hơn vì đòi hỏi sự năng động nhưng tính ổn định thì không bằng kỹ thuật.
Trích dẫn
Đến năm lớp 9, các thầy cô cho biết em khó có khả năng thi đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập ở tỉnh Thái Bình. Sau khi được người thân giới thiệu và tìm hiểu thông tin trên mạng, em đã chọn Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội để học Chương trình 9+, ngành nghề Công nghệ thông tin. Mỗi tuần, chúng em học 3 buổi văn hóa và 3 buổi học nghề; kết quả năm học vừa rồi, em đạt xuất sắc.
Phạm Đặng Thu Hiền – học sinh lớp 10C3 và lớp nghề 47 CNTT1 Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội
Theo khảo sát của Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội, học sinh học xong Chương trình 9+ thì có khoảng 40% số em tiếp tục học liên thông lên trình độ cao đẳng; 10% đi du học và khoảng 50% làm việc ngay tại địa phương các em sinh sống. Những ngành nghề về Cơ khí, Điện - Điện tử, Công nghệ ô tô có mức lương cao, phụ thuộc vào kỹ năng và yếu tố chuyên cần cũng như khối lượng công việc của người lao động. Để học sinh, sinh viên có việc làm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và khi tốt nghiệp được tuyển dụng ngay vào làm việc thì các trường trung cấp, cao đẳng luôn nhận được sự đồng hành, hợp tác của DN.
Bà Trần Thị Lan là Giám đốc Công ty CP Thương mại Cung ứng lao động Toàn Cầu tại Hà Nội cho biết: DN chuyên phối hợp cùng các trường trung cấp, cao đẳng và đại học trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên trải nghiệm về văn hóa DN, thực tập đúng ngành học, sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng vào làm việc tại nhà máy.
Còn đối với Công ty CP Thương mại Cung ứng Nhân lực Việt - Hàn hợp tác với các trường bằng việc: sau khi học sinh tốt nghiệp trung cấp, hoặc cao đẳng, đại học, nếu có nguyện vọng thì được giới thiệu đi du học tại Hàn Quốc. Khi đó, các em vừa có cơ hội để trang bị kiến thức văn hóa của nước bản địa, nâng cao khả năng ngoại ngữ và trong quá trình học được đi làm thêm với mức thu nhập từ 35 - 50 triệu đồng/tháng. Nhiều em chăm chỉ làm thêm, thu nhập đủ chi trả cho cuộc sống ở Hàn Quốc và còn gửi về cho bố mẹ mỗi tháng từ 10 - 15 triệu đồng.
Từ thực tế tư vấn tuyển sinh của các trường trung cấp, cao đẳng đã cho thấy phụ huynh và học sinh đang có sự thay đổi tích cực, quan tâm nhiều hơn đến các chương trình đào tạo nghề. Bởi vì hiện nay, nhiều em học sinh đã có việc làm từ lúc đang học, khi tốt nghiệp được DN tuyển dụng ngay. Xu thế hiện nay, nhiều em học sinh chọn phương án vừa học vừa đi làm để chủ động về thu nhập. Đồng thời, các em chọn một chương trình học phù hợp với chuyên ngành đã học để tiếp tục học liên thông lên bậc học cao hơn.
Trích dẫn
Hiện tại tôi đang kết nối với các DN cũng như hệ thống đào tạo ở trong nước và quốc tế thì thấy trí tuệ nhân tạo (AI) rất phát triển. Vì vậy, tôi khuyên các em học sinh đón đầu công nghệ nhưng vẫn phải tập trung vào học để biết được giá trị gốc, đích thực của mình. Chúng ta phải luôn làm chủ bản thân chứ không để AI khống chế lại. Và chúng ta học cách sử dụng công nghệ AI để phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình. Vì thế, đầu tiên, các em học sinh vẫn phải học, định hướng và kiểm soát được AI thì không bao giờ lo bị thất nghiệp.
Giám đốc Công ty CP Thương mại Cung ứng Nhân lực Việt - Hàn Trần Thị La
Robot và trí tuệ nhân tạo - ngành học mới đầy sức hút
Kinhtedothi - Với sự ra đời của AI, lao động ở không ít ngành được dự báo sẽ đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Khoa học vật liệu - ngành học gắn liền với sự phát triển của công nghệ
Kinhtedothi - Trong thời đại công nghệ phát triển, việc đẩy mạnh nghiên cứu và đào tạo ngành khoa học vật liệu có ý nghĩa rất lớn đối với khoa học kỹ thuật cũng như nhu cầu cuộc sống của con người.

Công nghệ thực phẩm - ngành học với sức khỏe
Kinhtedothi - Trong xã hội hiện nay, ngành công nghệ thực phẩm giữ vai trò quan trọng với việc bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm an toàn và bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Ngành học này còn đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên và chuyên gia, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.