Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chọn sách giáo khoa lớp 1: Bài toán khó giải

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn khoảng 3 tháng nữa, các trường sẽ “chốt” phương án chọn sách giáo khoa (SGK) Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPT). Tuy nhiên, để chọn được bộ SGK phù hợp vẫn là vấn đề khiến các địa phương lo lắng.

Thời gian này, các cơ sở đào tạo phải đọc hết 32 đầu SGK để lựa chọn ra những cuốn phù hợp với học sinh (HS).

Đừng mang tính hình thức

Ngày 30/11/2019, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT nhằm lấy ý kiến để chuẩn bị cho việc thực hiện Chương trình GDPT mới ở lớp 1, năm học 2020 - 2021. Đến thời điểm hiện tại, việc lựa chọn SGK là bài toán khó vì Thông tư còn nhiều điểm gây tranh cãi.

 
Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2020 quy định giao UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, để kịp tiến độ “thay sách” lớp 1 theo đúng quy định, SGK lớp 1 mới sẽ do cơ sở giáo dục lựa chọn theo quy định tại Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Cụ thể, mỗi trường tiểu học, trường THCS, trường THPT thành lập một Hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một Hội đồng. Hội đồng gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện GV dạy các môn học, hoạt động giáo dục (gọi chung là môn học) có SGK lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ HS của trường. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và GV.
Câu hỏi đặt ra ở đây là có bao nhiêu phần trăm số lượng GV tham gia chọn SGK hiểu rõ Chương trình mới và ý tưởng của các bộ sách?
Trong Dự thảo nêu rõ: “SGK được lựa chọn phải có trên 50% số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn”. Một Hội đồng tối thiểu 11 người nhưng lại có 5 đáp án phải lựa chọn. Vì vậy, dù bỏ phiếu kín khách quan thì rất khó để đạt được yêu cầu, bởi xác suất để 6 thành viên trong Hội đồng chọn cùng một SGK là rất thấp. Đặc biệt, nhiều người cho rằng, không nên có sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ HS vì như vậy chỉ mang tính hình thức.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Khi thực hiện theo quy định của Nghị quyết 88 thì cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của GV, HS và phụ huynh”. Vì vậy, Hội đồng lựa chọn SGK sẽ do cấp cơ sở giáo dục quyết định và Chủ tịch Hội đồng sẽ là người đứng đầu của cơ sở giáo dục, các thành viên còn lại sẽ bao gồm Hiệu phó, Tổ trưởng chuyên môn, GV của các bộ môn.
Mong muốn tiếp cận 5 bộ sách
Theo lịch của Bộ GD&ĐT, cuối tháng 3/2020, các nhà trường sẽ phải "chốt" phương án chọn SGK lớp 1 theo Chương trình GDPT mới.
Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT, mỗi một môn học GV chỉ được chọn một bộ SGK. Nhiều chuyên gia cho rằng, không nên quy định điều này vì sẽ làm mất tính tự do học thuật. Chủ trương một chương trình nhiều SGK là khuyến khích GV sáng tạo trong phương pháp giảng dạy.
Trong 5 bộ SGK, lựa chọn được bộ sách phù hợp là bài toán khó với các địa phương. Đọc hết 32 đầu SGK lớp 1 và đưa ra quyết định chính xác, phù hợp đòi hỏi tất cả các thành viên trong Hội đồng phải nghiên cứu, so sánh ưu điểm, nhược điểm giữa bộ sách này với các bộ sách khác.
Thậm chí, để lựa chọn được bộ SGK phù hợp, trường học cũng phải dày công tìm hiểu, nghiên cứu, họp bàn, bồi dưỡng giáo viên…
Một GV tại quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện chưa có GV nào được tiếp xúc với SGK mới. Đừng áp đặt mà hãy để GV lựa chọn SGK, tuy nhiên, điều các trường lo ngại nhất vẫn là kinh phí để mua sách.
Trong Hội nghị trực tuyến giới thiệu các bộ SGK lớp 1 theo Chương trình mới do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, đại diện các phòng GD&ĐT cũng cho biết, giáo viên của các trường, đặc biệt là đội ngũ dự kiến dạy lớp 1 ở năm học 2020 - 2021 đều mong được tiếp cận đủ 5 bộ sách để nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định lựa chọn cuối cùng.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho hay, Sở đã trao đổi với các nhà xuất bản và bày tỏ muốn để các GV được tiếp cận sớm với 5 bộ SGK. Nhưng do sách chưa có giá bán ra thị trường nên các nhà xuất bản chỉ tặng một số lượng nhất định cho các phòng GD&ĐT và qua đó cho các giáo viên tiếp cận nghiên cứu.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thông tin, sẵn sàng cung cấp 4 bộ SGK mới do đơn vị này xuất bản với hình thức “bán chịu” cho các trường để tăng thời gian cho các thầy cô nghiên cứu. Đến khi nào SGK “chốt” giá bán, nhà xuất bản này sẽ thu tiền sau.