Chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp Việt
Kinhtedothi - Thời gian qua, hoạt động chống hàng giả, hàng nhập lậu giả mạo xuất xứ không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ thương hiệu, lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng trong nước với sản phẩm Việt.
Liên tục phát hiện hàng giả mạo nhãn hiệu
Ngày 16/5, Phòng cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội triệt phá thành công ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (địa chỉ số 1, LK 11, Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông) cầm đầu, thu giữ trên 100 tấn thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 9, Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội CSKT công an huyện Đông Anh kiểm tra hộ kinh doanh tại Tổ 9, Thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) đã phát hiện 250 bao hạt đậu tương, nhãn hiệu Minh Khang. Qua kiểm tra và làm việc với chủ sở hữu nhãn hiệu lực lượng chức năng đã xác định hộ kinh doanh trên đã có hành vi sản xuất thực phẩm giả mạo tên, địa chỉ tổ chức sản xuất, phân phối hàng hóa.

QLTT Hà Nội bắt giữ vòng bi giả mạo nhãn hiệu SKS tại Khu đô thị Văn Phú, Quận Hà Đông. Ảnh: Hoài Nam
Đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu Bình Tây (nhà phân phối độc quyền máy tính Casio, đồng hồ Casio tại thị trường Việt Nam) Phạm Thị Bích Thủy phản ánh, người tiêu dùng khi mua phải hàng giả, nhái nhãn mác sẽ thấy chất lượng không bằng hàng thật, từ đó quay lưng không sử dụng hàng chính hãng vì sợ mua phải hàng giả. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu, sức tiêu thụ hàng chính hãng.
Thông tin về vấn nạn hàng giả ảnh hưởng đến DN, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) Nguyễn Đăng Sinh cho biết, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng … đang là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hầu hết các sản phẩm có uy tín, có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng, đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện diện từ các cửa hàng tạp hóa nhỏ đến những siêu thị ở những đô thị lớn.
“Hàng giả, hàng nhái đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, linh hoạt về giá cả, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn phổ biến và diễn biến phức tạp cả về quy mô, lĩnh vực lẫn phương thức sản xuất, tổ chức tiêu thụ, nhập khẩu từ bên ngoài,” - ông Sinh nói.
Phó Chi Cục Trưởng phụ trách Cục QLTT Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết, hiện trên thị trường có nhiều loại hàng hóa nghi giả mạo thương hiệu Việt Nam. Hầu hết được sản xuất tại nước ngoài, sau đó nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ. Điều này làm ảnh hưởng không chỉ đến doanh nghiệp Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến chủ trương chung của Nhà nước khi triển khai chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

QLTT Hà Nội bắt giữ nước rửa Toilet OKay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu OKay tại xã La Phù (Hoài Đức). Ảnh: Hoài Nam
“Qua thu thập thông tin, lực lượng chức năng phát hiện một số đối tượng thành lập các DN ở Trung Quốc để thực hiện việc đưa sản phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam thay đổi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Thậm chí thông qua các công đoạn sản xuất đơn giản chưa đáp ứng được tiêu chí chuyển đổi mã số HS hoặc tiêu chí tỷ lệ phần trăm giá trị nhưng vẫn khai báo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế quan”-ông Đức thông tin.
Đẩy lùi hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ toàn quốc
Thời gian qua các địa phương, đã tổ chức nhiều hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường, tuy nhiên hoạt động này vẫn mang tính đơn lẻ. Để có thể thể ngăn chặn hàng lậu, hàng giả theo các chuyên gia kinh tế các địa phương, lực lượng chức năng cần phối hợp tổ chức tổng kiểm tra thị trường qua đó phát hiện những đường dây ổ nhóm sản xuất hàng giả quy mô lớn.
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Anh Đào Phạm Thị Đào cho rằng, hàng giả tràn lan nhưng pháp luật xử lý còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, DN phải tự cứu mình bằng cách thuê thám tử theo dõi cách thức vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái thương hiệu Anh Đào; Đầu tư công nghệ hiện đại để hạn chế bị làm giả. Ngoài ra, công ty áp dụng phương thức bán hàng theo từng tỉnh - thành với mã vạch riêng từng địa phương, nếu sản phẩm bán tại địa phương mà không khớp mã vạch sẽ bị thu hồi.
Thông tin về hoạt động chống hàng giả, gian lận thương mại, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thanh Bình cho biết, đơn vị đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong đó tập trung kiểm tra hoạt động kinh doanh, vận chuyển trên các tuyến giao thông, nhà ga, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại buôn bán hàng hóa số lượng lớn.
Nhằm huy động lực lượng chức năng, địa phương đẩy mạnh chống hàng giả, hàng lậu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 65/CĐ-TTg về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đó, từ 15/5-15/6/2025 các lực lượng chức năng mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc. Công điện nêu rõ, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng nhận diện các tổ chức, cá nhân nghi vấn có dấu hiệu hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử,...
Thủ tướng giao Bộ Y tế kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, dược phẩm giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, xử lý các vi phạm về lâm sản, thủy sản, sản xuất, buôn bán giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả.
Nhằm tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng trong quá trình xử phạt hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ…Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về sở hữu trí tuệ để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh, nhất là trên môi trường số, thương mại điện tử, hoàn thiện các quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật; Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về công bố, quảng cáo sai sự thật.

Tăng kiểm tra, kiểm soát, không để xảy ra tàng trữ hàng lậu, hàng cấm
Kinhtedothi-Để góp phần ổn định tình hình thị trường, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã chỉ đạo các Đội QLTT làm tốt công tác rà soát, kiểm tra, kiểm soát địa bàn, không để những đối tượng lợi dụng tình hình kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu, không bảo đảm chất lượng...

Quản lý thị trường bánh Trung Thu không để hàng lậu “tuồn” ra thị trường
Kinhtedothi - Còn chưa đầy 10 ngày nữa là tới Rằm tháng 8, thị trường bánh Trung thu đã nhộn nhịp, doanh nghiệp đưa ra nhiều mẫu bánh với mẫu mã, kiểu dáng, hương vị mới. Lợi dụng nhu cầu tăng cao, nhiều đối tượng đưa ra thị trường tiêu thụ bánh Trung thu nhập lậu không đảm bảo ATTP.

Chống hàng lậu, hàng giả: không để xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy làm”
Kinhtedothi- Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị giao ban công tác quý I/2025 và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới của Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia chiều 21/4/2025.