Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chống tội phạm là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hội nghị trực tuyến sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” và ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015 đã được Ban chỉ đạo 138/CP tổ chức ngày 5/12.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo; lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí và Ban chỉ đạo 138/CP 63 tỉnh, thành phố.

Nhấn mạnh phòng chống tội phạm không chỉ là nhiệm vụ của ngành công an mà là của cả hệ thống chính trị, toàn dân cùng tham gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể chính trị trong năm qua cũng như sự tham gia của quần chúng nhân dân vào công tác phòng chống tội phạm.

Phó Thủ tướng đã chỉ rõ những tồn tại là tình hình tội phạm vẫn tăng và diễn biến phức tạp; nhiều loại tội phạm nguy hiểm mới xuất hiện, gây bức xúc trong nhân dân; một số địa phương mới dừng lại ở khâu phổ biến, quán triệt Chỉ thị nên hiệu quả chưa cao; vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên và cấp ủy chưa thể hiện rõ, nhiều nơi quần chúng còn thờ ơ với tội phạm; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, hiệu quả phòng ngừa, công tác dự báo tội phạm chưa tốt…

Phó Thủ tướng chỉ rõ các vấn đề cốt lõi cần thực hiện thời gian tới, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 48-CT/TW và Quyết định số 282/QĐ-TTg. Phó Thủ tướng chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương phải coi công tác phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, cần phải đầu tư và chỉ đạo quyết liệt giai đoạn 2011-2015; phải huy động toàn dân tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm, tạo thành phong trào rộng khắp trong cả nước, đưa Chỉ thị vào cuộc sống, trong đó lấy cấp xã, phường, địa bàn cơ sở là trọng tâm.

Phó Thủ tướng nêu rõ địa phương nào không làm tốt công tác phòng ngừa, để tội phạm gia tăng thì Bí thư, Chủ tịch và thủ trưởng cơ quan công an phải chịu trách nhiệm, tuyệt đối không dung túng bao che, tiếp tay cho tội phạm. Việc xây dựng mô hình các phong trào thế trận an ninh nhân dân cần phải đặt ra, tập trung nguồn lực, con người cho các địa bàn trọng điểm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an trước và trong Tết mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm các loại tội phạm trên từng địa bàn, phải giảm nhanh tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức…; từng ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền phòng ngừa, phòng chống tội phạm, xác định các hình thức phương pháp tuyên tuyền phù hợp; Xây dựng ý thức văn hóa chấp hành luật pháp của nhân dân, không vi phạm pháp luật, chủ động tích cực phòng ngừa tham gia trấn áp tội phạm.

Phó Thủ tướng chỉ rõ cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân nhất là thanh thiếu niên là bộ phận nhạy cảm dễ vi phạm pháp luật. Tổ chức những đợt cao điểm, những phong trào phòng, chống tội phạm quyết liệt ở các khu dân cư để tội phạm không có nơi dung thân, nhất là những địa bàn trọng điểm.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, Phó trưởng Ban chỉ đạo, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 48-CT/TW và Quyết định số 282/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị. Bước đầu nhận thức của cán bộ, đảng viên và đại bộ phận nhân dân về trách nhiệm, quyền và lợi ích tham gia phòng, chống tội phạm tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình điển hình về phòng, chống tội phạm đã được xây dựng, qua đó xuất hiện nhiều tấm gương quần chúng dũng cảm, hy sinh khi tham gia tấn công trấn áp tội phạm.

Lực lượng Công an đã làm tốt chức năng thường trực Ban chỉ đạo các cấp, đóng vai trò tham mưu, nòng cốt trong triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị và Quyết định này. Viện Kiểm sát, Tòa án và Công an các cấp đã phối hợp tốt hơn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Ban chỉ đạo 138/CP tập trung chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng ngừa các loại tội phạm; triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phòng, chống tội phạm hình sự theo chuyên đề, loại đối tượng, tuyến, địa bàn trọng điểm. Lực lượng chức năng đã mở 9 đợt cao điểm tập trung trấn áp tội phạm; tập trung giải quyết đẩy lùi tội phạm ở 16 tỉnh, thành phố trọng điểm...

Lực lượng công an các cấp đã điều tra, khám phá các vụ án đạt tỷ lệ 71,3%, riêng trọng án đạt trên 90%; triệt phá gần 4.000 băng nhóm lưu manh chuyên nghiệp. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã quyết định truy tố gần 60.000 vụ. Tiến độ, chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra được đảm bảo, nâng cao hơn.

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý sơ thẩm trên 45.000 vụ án hình sự với trên 82.000 bị can, tổ chức gần 3.000 vụ xét xử lưu động. Các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, nhà tạm giữ làm tốt công tác quản lý can phạm nhân; đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho gần 40.000 phạm nhân; đặc xá tha tù trước hạn cho trên 10.000 phạm nhân…

Tại Hội nghị, Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW, Nghị quyết 09/NQ-CP, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015.

Theo đó, các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền các chương trình, kế hoạch, yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm; những vấn đề mới trong công tác phòng, chống tội phạm tại cơ quan, đơn vị, địa phương; tình hình, kết quả và những tồn tại hạn chế, bài học kinh nghiệm, biện pháp thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng, chống tội phạm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội ở Trung ương và các địa phương, các lực lượng nòng cốt tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm…

Các cơ quan thông tấn báo chí chú trọng tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để nhân dân chủ động phát hiện, phòng ngừa; lên án, phản bác các luận điệu tuyên truyền làm sai lệch chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung, công tác phòng, chống tội phạm nói riêng; tuyên truyền những mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng chống tội phạm…

Bộ Công an có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về các nội dung tuyên truyền và tạo điều kiện cho phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí đi thực tế ở cơ sở để tổ chức tuyên truyền phù hợp./.