Chống, tránh đều không được

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về phương diện an ninh khu vực, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) là diễn đàn vừa quan trọng nhất lại vừa có truyền thống nhất.

Nó thực chất hơn tất cả những khuôn khổ diễn đàn đối thoại hiện có về an ninh ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Riêng đối với an ninh ở khu vực Đông Á, ARF là chiếc hàn thử biểu xác thực nhất.
Thủ tướng Malaysia phát biểu khai mạc Hội nghị AMM 48.1.
Thủ tướng Malaysia phát biểu khai mạc Hội nghị AMM 48.1.
ARF năm nay được tiến hành ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Chuyện an ninh khu vực không chỉ lại nổi trội mà còn nổi trội hơn bao giờ hết bởi trong thời gian qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số thành viên ASEAN ở khu vực Biển Đông, Trung Quốc không chỉ tiếp tục chiếm đóng trái phép một số đảo trong khu vực biển này mà còn cải tạo đảo và xây dựng đảo nhân tạo, tăng cường vũ trang ở những nơi chiếm đóng trái phép này. Malaysia trong tư cách là nước chủ nhà của ARF và những hội nghị của ASEAN vào dịp này sẽ không ứng xử vấn đề biển đảo như Campuchia hồi năm 2012.

Tại ARF năm nay, việc Trung Quốc gây chuyện ở Biển Đông trong thời gian vừa qua là vấn đề nổi cộm hàng đầu trên chương trình nghị sự. Trung Quốc đã tìm mọi cách để chống đối và lảng tránh nhưng đều không thành công. Trung Quốc bám giữ vào lập luận cho rằng Trung Quốc không có vướng mắc gì với ASEAN mà chỉ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ song phương với một số nước thành viên ASEAN nên Trung Quốc chủ trương giải quyết song phương. Ý đồ của Trung Quốc là phân hóa nội bộ ASEAN, dùng những thành viên ASEAN không bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ cản trở những thành viên ASEAN bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ dựa vào sự đoàn kết và đồng thuận trong ASEAN để đối phó với những dã tâm của Trung Quốc. Ý đồ của Trung Quốc là làm chìm chuyện chính trị an ninh ở khu vực Biển Đông. Tham dự ARF không chỉ có các thành viên ASEAN và Trung Quốc mà còn có cả nhiều nước khác ở bên ngoài khu vực Đông Nam Á, đặc biệt có Mỹ và Nhật Bản. Nhật Bản cũng bị Trung Quốc đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trong khi Mỹ không thể không lo ngại ngày càng tăng những hành vi manh động và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. ARF là cơ hội và diễn đàn mà Nhật Bản có thể tận dụng để tập hợp lực lượng cùng đối phó  với Trung Quốc và Mỹ có thể sử dụng để cô lập Trung Quốc ở khu vực và gia tăng áp lực đối với Trung Quốc về chính trị và dư luận.

Đối với Việt Nam và Philipinnes, việc đưa chuyện chính trị an ninh khu vực và đòi Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động gây nguy hại cho an ninh và ổn định ở khu vực vào thảo luận sâu rộng ở ARF là đòi hỏi bắt buộc. Đối với ARF, không bàn thảo về chủ đề nội dung quan trọng và thời sự nhất hiện tại này thì nó sẽ chỉ hữu danh vô thực. ARF năm nay cũng còn là dịp để ASEAN nhìn nhận lại chính mình. ASEAN càng bị phân rẽ nội bộ về Trung Quốc thì Trung Quốc càng được lợi, an ninh và ổn định ở khu vực Biển Đông càng thêm tồi tệ và vì thế cả uy danh lẫn vai trò của ASEAN bị tổn hại càng thêm nhiều. ASEAN sẽ không thể phát triển với tương lai tốt đẹp nếu để cho một vài thành viên hay Trung Quốc làm rạn nứt khối đoàn kết thống nhất nội bộ đến mức không giúp được các thành viên phát triển, và bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp trước sự xâm lấn và đe dọa từ bên ngoài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần