Chống ùn tắc và tai nạn giao thông: Tiếp tục phân làn phương tiện

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Do ý thức chấp hành Luật Giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt nên tình trạng lấn làn đường giữa các chủ phương tiện diễn ra thường xuyên, đã gây ra ùn tắc và TNGT.

Vì vậy, việc tiếp tục phân làn phương tiện trên các tuyến đường là cần thiết.

Đề xuất phân làn tại 12 tuyến phố

Ngay từ năm 2003, thành phố đã tổ chức phân làn đường thí điểm tại tuyến đường Kim Mã. Tiếp đến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt năm 2006 và đường Giải Phóng năm 2009. Ban đầu việc tuyên truyền mạnh cộng với kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm nên tình hình TTATGT trên các tuyến đều có chuyển biến. Đặc biệt ý thức chấp hành đi theo làn đường của người dân đã tốt hơn trước. Tuy nhiên, thời gian phân làn đường không kéo dài được lâu và không đáp ứng được yêu cầu của Thành phố là nhân rộng ra các tuyến phố khác. Bởi khi lực lượng kiểm tra, xử lý trên đường rút đi thì tình trạng đi lấn làn lại tái diễn.

Để lập lại TTATGT trên đại bàn thành phố, Sở GTVT vừa tiếp tục đề xuất duy trì trở lại việc phân làn đường trên các tuyến phố đã triển khai trước đây, đồng thời triển khai việc phân làn đường thêm 9 tuyến phố. Cụ thể gồm: Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai; Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ; Quang Trung - Trần Phú - Nguyễn Trãi (quận Hà Đông); Nguyễn Văn Cừ; Hoàng Quốc Việt; Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Đê 401; Phố Huế - Hàng Bài; Bà Triệu; Trần Phú - Tràng Thi.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT cho rằng, sở dĩ chọn thêm các tuyến trên để phân làn do các tuyến đều có mặt đường đủ rộng, một số là đường một chiều. Đồng thời các tuyến đường đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, khoảng cách giữa các nút trên tuyến đáp ứng được tiêu chí phân làn.

Không nên phân làn trên nhiều tuyến

Đây là nhận định của Đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an TP. Theo Đại tá Thùy, việc phân làn đường cần nhiều lực lượng làm nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, xử lý. Mà lực lượng chính là CSGT và Thanh tra Sở GTVT hiện đang căng người để tổ chức giao thông, chống ùn tắc tại rất nhiều tuyến, nút giao thông. Nếu làm cả 12 tuyến sẽ dẫn đến thiếu hụt lực lượng và như vậy sẽ không có kết quả cao. Cùng chung quan điểm, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT cho rằng không nên làm dàn chải mà tập trung làm điểm một vài tuyến. Bên cạnh đó, để việc phân làn đường hiệu quả, đề nghị thành phố bổ sung phương tiện tuần tra trên đường cụ thể là xe máy phân khối lớn, máy đo nồng độ cồn, cân kiểm tra tải trọng xe, xe kéo phương tiện.

Tại cuộc họp về tổ chức phân làn phương tiện được tổ chức ngày 30/8, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu chỉ triển khai phân làn đường tại 5 tuyến gồm 3 tuyến đã triển khai từ trước và thêm 2 tuyến Bà Triệu và Phố Huế - Hàng Bài. Việc phân làn tập trung tách ô tô đi làn riêng và xe đạp, xe máy đi làn riêng. Sở GTVT rà soát, bố trí, sắp xếp lại các điểm đỗ xe dọc trên các tuyến phân làn, không cho xe đỗ dưới lòng đường, đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm tất cả các vi phạm đỗ, dừng sai qui định. Trên vỉa hè giảm các điểm trông giữ xe. Phó Chủ tịch cũng giao Công an TP chủ trì và phối hợp với Sở GTVT, các quận có tuyến đường đi qua để tuyên truyền và huy động các lực lượng cùng tham gia. Việc phân làn đường bắt đầu triển khai từ giữa tháng 9/2011.