Chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng 6%, từ ngày 1/7/2022

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp, bỏ phiếu chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng 6%, từ ngày 1/7/2022.

Sáng ngày 12/4, Hội đồng tiền lương quốc gia họp phiên thứ hai dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Lê Văn Thanh.

Sau gần 4 tiếng, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc tại DN. Và sau đó Hội đồng đã bỏ phiếu chốt tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 đến hết ngày 31/12/2023 với mức tăng 6,0%.

Hội đồng Tiền lương quốc gia họp chốt tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022, mức 6,0%.
Hội đồng Tiền lương quốc gia họp chốt tăng lương tối thiểu từ 1/7/2022, mức 6,0%.

Trao đổi với báo chí sau phiên họp chốt tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu thông tin,  trên cơ sở đàm phán rất dân chủ và quyết liệt, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đưa ra được quyết định thuyết phục được các bên, đó là mức lương tối thiểu vùng năm 2022 được tính từ 1/7/2022 đến hết năm 2023 là tăng 6,0%.

“Với tư cách đại diện cho người lao động, chúng tôi mong muốn mức lương tối thiểu cao hơn nữa. Tuy nhiên, trong bối cảnh DN gặp đang gặp nhiều khó khăn và dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chúng tôi đã chia sẻ với người lao động, DN, cùng nắm tay nhau thực hiện tốt Chương trình phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ” – ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Theo thông lệ, trước đây, tăng lương tối thiểu vùng thường được thực hiện từ ngày 1/1 của năm kế tiếp. Nhưng lần này, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt thời gian điều chỉnh lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022. Về việc này, ông Ngọ Duy Hiểu giải thích: 1,5 năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 người lao động không được tăng lương; đến nay kinh tế đã được phục hồi và phát triển tốt, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, do vậy các bên thấy cần thiết phải tăng lương, cho người lao động. Việc tăng lương lúc này là kịp thời để hỗ trợ, giúp người lao động vượt qua khó khăn và là động lực giúp họ nâng cao năng suất lao động, giúp DN phát triển bền vững.

Tăng lương tối thiểu cũng là thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, để giúp cho người lao động bước vào giai đoạn phục hồi phát triển lao động với năng suất cao, một người có thể làm việc bằng một, bằng hai. Một trong những việc đó là phải tạo động lực cho họ, mà tăng lương tối thiểu mang lại rất nhiều hiệu quả như nâng cao năng suất lao động...; cũng là động lực gây áp lực cho các DN phải đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản trị để giúp triển bền vững.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng trả lời báo chí là chưa hài lòng với mức điều chỉnh này vì chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN. Cộng đồng DN mong muốn mức điều chỉnh từ 1/1 2023, chứ tăng từ 1/7/2022 thì gấp gáp, vất vả cho DN quá vì phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh, kể cả chỉ số tăng trưởng....

Tuy nhiên Hội đồng Tiền lương quốc gia hoạt động với nguyên tắc đồng thuận, đã thống nhất, đồng ý rất cao. Cụ thể, 17 thành viên trong Hội đồng Tiền lương quốc gia đồng ý  với mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu 6,0%. Có 2 phiếu không đồng ý với điều chỉnh về mốc thời gian 1/7/202, mong muốn đề nghị điều chỉnh từ 1/1/2023; còn 15 phiếu nhất trí với mốc tăng từ 1/7/2022. “Tăng lương 6,0% là sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng DN, vì thế họ rất cần phải có sự tham gia tích cực hơn của người lao động để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2022 và dài hơi năm tiếp theo”- ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Như vậy,  Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt mức tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 đến ngày 31/12/2023 là 6,0%, tương ứng với vùng 1 tăng 260.000 đồng; vùng 2 tăng 240.000 đồng; vùng 3 tăng 210.000 đồng; vùng 4, tăng 180.000 đồng.