Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chốt xong phương án thu phí BOT đường thủy khi đi qua cầu Bình Lợi

YÊN NỘI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỉnh Bình Dương vừa chấp thuận mức giá cho các tàu thuyền từ 300 tấn đi qua khu vực cầu sắt Bình Lợi sẽ phải trả 70 đồng/tấn/km (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Ngày 31/8, theo thông tin từ Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi cho biết tỉnh Bình Dương đã chấp thuận phương án giá dịch vụ sử dụng luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu sắt Bình Lợi, TP Hồ Chí Minh đến cảng Bến Súc, Bình Dương.
Sở Tài chính Bình Dương, thông qua phương án giá sử dụng luồng sông Sài Gòn theo hình thức BOT mà Công ty TNHH BOT Bình Lợi đề xuất là phù hợp với qui định hiện hành. Sở này đề nghị công ty kê khai giá và thu giá dịch vụ đúng qui định.
 Tàu thuyền khi đi qua cầu đường sắt Bình Lợi phải trả 70 đồng/tấn/km. Ảnh: Huy Chương
Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn là dự án đường thủy đầu tiên trên cả nước thực hiện theo hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư dự án được duyệt khoảng 1.300 tỉ đồng, nhà đầu tư thu phí tàu thuyền để thu hồi vốn trong vòng 20 năm 9 tháng. Thời điểm thu là sau khi dự án hoàn thành.
Tuy nhiên mới đây theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị liên quan phải tính toán lại tổng mức đầu tư, lưu lượng vận tải... để xây lại phương án tài chính cho phù hợp. Khi có đầy đủ các thông số nêu trên sẽ tính lại thời gian hoàn vốn cho dự án.
Theo Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi, hiện dự án đã có dự thảo phụ lục hợp đồng BOT.
Dự án gồm hai hợp phần đó là, xây mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền từ 1,5 m lên 7m; cải tạo luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc, Bình Dương dài 70 km. Mục tiêu xây cầu mới nhằm tạo thuận lợi cho tàu bè lưu thông, trong khi cầu cũ có tĩnh không khoảng 1,5m là quá thấp nên đã xảy ra nhiều vụ tàu bè va vào cầu gây gián đoạn tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Dự kiến trong tháng 9/2019, cầu sắt Bình Lợi mới sẽ thông tàu, đối với cầu sắt Bình Lợi cũ các đơn vị sẽ tháo dỡ một nửa bên phía quận Bình Thạnh, nửa còn lại bên phía quận Thủ Đức được giữa lại để bảo tồn làm điểm tham quan du lịch.