Những vi phạm chủ yếu là xây nhà cấp 4, móng và công trình phụ; dựng lều quán, chợ tạm; ngoài ra còn các vi phạm khác như: Đào xẻ đê, tôn cao đê, khai thác cát sỏi trong phạm vi bảo vệ đê, xây lò gạch… Đặc biệt nghiêm trọng là các vi phạm tập kết đất, cát, vật liệu xây dựng với khối lượng lớn trên các bãi sông, ảnh hưởng đến thoát lũ, ảnh hưởng đến an toàn đê. Nhiều tuyến đê bị xe quá tải trọng chạy thường xuyên làm hư hỏng mặt đê, thân đê. Những địa bàn có nhiều vụ vi phạm gồm Ứng Hoà, Phú Xuyên, Thường Tín, Ba Vì, Từ Liêm, Hoàng Mai…
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Đê điều ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng tới công tác phòng, hộ đê trong mùa mưa bão.Bên cạnh những trường hợp vi phạm mới phát sinh trong năm 2012 chưa được giải quyết triệt để, những vi phạm do lịch sử để lại khá nghiêm trọng. Điển hình, tại thôn Tinh Mỹ (xã Trung Hoà, huyện Chương Mỹ) có 6 hộ dân xây dựng nhà trái phép lấn chiếm lòng sông Bùi từ năm 1992 vẫn chưa được giải quyết. Ngoài ra, dọc tuyến đê sông Bùi đi qua địa phận các xã Tốt Động, Trung Hoà, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến vẫn còn hàng chục lò gạch nằm ngay giữa lòng sông, hành lang sông nhưng chưa được các cấp chính quyền xử lý.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 1.616 vụ vi phạm Luật Đê điều. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, toàn thành phố đã phát sinh thêm 128 vụ. |
Theo dự báo, năm 2012, mưa, lũ, thiên tai diễn biến rất phức tạp, khó lường. Sẽ có khoảng 2 - 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và 9 - 10 trận mưa to ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội. Đây thực sự là điều đáng lo ngại cho sự an toàn của các tuyến đê trên địa bàn Thủ đô.
Để bảo vệ cho các tuyến đê trước mùa mưa lũ, ông Lưu Văn Hải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: TP đã tập trung kiện toàn tổ chức PCLB các cấp; xây dựng kế hoạch PCLB năm 2012; đồng thời tổ chức 14 đoàn kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, nhân lực và các phương án PCLB; tiến hành công tác tu bổ đê điều, công trình thủy lợi, hồ đập. "Sở đã đề nghị các xã, phường, thị trấn ven các tuyến đê cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Đê điều ngay trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Thường xuyên cử lực lượng tuần tra canh gác trên các tuyến đê chống lũ. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ đê điều và PCLB" - ông Hải nói.
Mùa mưa bão đã đến gần, các xã, phường, thị trấn có các tuyến đê chạy qua cần chủ động các phương án hộ đê, bảo vệ kè theo phương châm 4 tại chỗ, xử lý kịp thời các sự cố đê kè để đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống của nhân dân.