Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động cập nhật thông tin, lao động lớn tuổi vẫn có việc làm

Lương Hạnh (laodong.vn)
Chia sẻ Zalo

Bên cạnh vai trò kết nối của các trung tâm dịch vụ việc làm, người lao động lớn tuổi cũng cần chủ động cập nhật thông tin, nâng cao trình độ để có việc làm khi đột ngột rơi vào cảnh thất nghiệp.

Bên cạnh vai trò kết nối của các trung tâm dịch vụ việc làm, người lao động lớn tuổi cũng cần chủ động cập nhật thông tin, nâng cao trình độ để có việc làm khi đột ngột rơi vào cảnh thất nghiệp.

Lao động tìm kiếm việc làm tại phiên giao dịch việc làm lưu động. Ảnh: Lương Hạnh
Lao động tìm kiếm việc làm tại phiên giao dịch việc làm lưu động. Ảnh: Lương Hạnh

Sau 15 năm làm nhân viên bảo vệ của một công ty dịch vụ lao động trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, ông Mai Văn Toán (SN 1964, trú phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) xin nghỉ việc.

Sau khi nghỉ việc, ông Toán hỗ trợ gia đình trong việc kinh doanh, buôn bán. Công việc không nhiều nên ông lại tiếp tục tìm kiếm việc làm thêm, gia tăng thu nhập. Biết đến phiên giao dịch việc làm lưu động quận Ba Đình ngày 19.8, ông Toán bày tỏ mong mỏi tìm được công việc là nhân viên bảo vệ trường học.

"Tôi theo dõi các thông tin từ phía UBND phường nên biết đến các phiên giao dịch việc làm. Tôi đã tìm được vài công ty có tuyển dụng vị trí mà tôi mong muốn" - ông Toán cho hay.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, trung tâm tăng cường các hoạt động kết nối trực tiếp và trực tuyến để hỗ trợ tối đa các nguồn cung - cầu lao động của thành phố nói riêng và các tỉnh nói chung khi tham gia các phiên giao dịch việc làm trực tuyến.

Trung tâm nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, người lao động tìm kiếm việc làm. Đặc biệt, đơn vị này có chức năng hỗ trợ người lao động thiếu việc làm, mất việc làm, sao để nhanh chóng tìm kiếm được công việc mới tại các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.

Theo ông Thành, tại Hà Nội, bên cạnh nhóm doanh nghiệp giảm quy mô sử dụng lao động cũng có không ít công ty mới thành lập và các đơn vị không bị ảnh hưởng, vẫn gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự.

Số người đến trung tâm đăng ký hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp có chiều hướng giảm dần, đã thể hiện diễn biến tốt hơn của thị trường lao động Thủ đô.

Trong khi đó, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho rằng, giải pháp căn cơ là cần tái cấu trúc doanh nghiệp, định hướng lại các lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo chiều sâu. Đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ của người lao động đặc biệt với lao động trình độ thấp cần đào tạo, đào tạo lại.

Ngành Lao động - thương binh và xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương cần tập trung nắm chắc thực trạng của doanh nghiệp trên địa bàn; cả doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự lẫn doanh nghiệp có người lao động giãn việc phải sa thải lao động. Từ đó, triển khai các giải pháp, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện hỗ trợ cho họ.

Để làm được việc này, vị chuyên gia cho hay, cũng cần có sự phối hợp giữa người lao động, doanh nghiệp và của tổ chức liên quan đến người lao động, đặc biệt là tổ chức công đoàn.

Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, trong tháng 8, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 22.889 lao động, tăng 4,2% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu tổng hợp, 8 tháng đầu năm, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 155.679/162.000 lao động, đạt 96,1% kế hoạch năm, bằng cùng kỳ năm 2022. Riêng trong tháng 8, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 22.889 lao động.

Đáng chú ý, bên cạnh công tác hỗ trợ giải quyết việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng chú trọng đẩy mạnh công tác giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp.

Thông qua hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và một số đơn vị, đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 8.061 người, hỗ trợ học nghề cho 30 người, số tiền hỗ trợ học nghề là 138 triệu đồng.