Chủ động gỡ khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu của Kế hoạch 166 là ngoài góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Thủ đô, còn giúp các địa phương này sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, rút ngắn khoảng cách với khu vực đồng bằng.

Trong bối cảnh khó khăn về ngân sách, ngoài sự hỗ trợ của TP, bản thân các huyện cần chủ động vào cuộc tìm hướng đi cho riêng mình.

Ưu tiên đầu tư

Đích đến vào năm 2015 đã rất gần, trong khi còn rất nhiều nội dung, chỉ tiêu với khối lượng công việc khổng lồ mà không ít xã vùng đồng bào DTTS chưa hoàn thành. Điều đó đặt ra những băn khoăn, trăn trở cho lãnh đạo các địa phương.
Ban Chỉ đạo Kế hoạch 166 kiểm tra việc thực hiện các dự án ở huyện Quốc Oai.	Ảnh: Thiên Tú
Ban Chỉ đạo Kế hoạch 166 kiểm tra việc thực hiện các dự án ở huyện Quốc Oai. Ảnh: Thiên Tú
Ông Đỗ Lai Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, hướng tới mục tiêu đến năm 2015, giảm tỷ lệ nghèo ở 2 xã Phú Mãn, Đông Xuân xuống mức 8%, huyện sẽ tiến hành rà soát các dự án trọng điểm phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào DTTS. Đồng thời kiến nghị UBND TP bổ sung hoặc chuyển tiếp vốn để ưu tiên thực hiện trước. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện mong muốn các sở, ban ngành của TP quan tâm, sớm phê duyệt, cấp kinh phí để huyện thực hiện 26 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS đã đề xuất trên cơ sở Quyết định 551 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn. Đây được coi là bước đi quan trọng trong nỗ lực giảm nghèo của địa phương.       

Tương tự, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch 166 của TP mới đây, đại diện 3 xã có đồng bào DTTS sinh sống của huyện Thạch Thất là Yên Trung, Tiến Xuân, Yên Bình bày tỏ, việc các dự án thủy lợi bị chậm tiến độ đã và đang ảnh hưởng rất nhiều tới sản xuất nông nghiệp của người dân. Điển hình là các dự án xây dựng bai mương dẫn nước thôn Luồng (xã Yên Trung), bai mương dẫn nước Quê Vải (xã Tiến Xuân), vai Đồng Hiến, vai Gò Chung, kênh Gò Chói, kênh Cố Đụng… Chính vì vậy, chính quyền và người dân địa phương kiến nghị các sở, ban, ngành của TP quan tâm, đầu tư nguồn vốn bổ sung để huyện thực hiện các dự án phát triển nói chung, trong đó có các dự án về thủy lợi. 

Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, thời gian qua, huyện đã nỗ lực hỗ trợ đất nông nghiệp cho các hộ nghèo bị thiếu đất sản xuất, hỗ trợ cho vay vốn đối với những hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ giống, vật nuôi, cây trồng... nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên, cùng với nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, việc đảm bảo tiến độ thi công của các dự án đã được bố trí vốn và tiến hành thi công các dự án dở dang được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các xã dân tộc miền núi trên địa bàn TP nói chung. Bởi việc hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu đi lại, học tập và sinh hoạt cộng đồng vụ cho đồng bào DTTS là mục tiêu "xương sống" của Kế hoạch 166. 

Liên quan tới nguồn vốn đối ứng phục vụ phát triển các dự án hạ tầng, huyện Ba Vì đang nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 400 tỷ đồng, cộng với 300 tỷ đồng của chương trình xây dựng nông thôn mới, trong khi hàng năm chỉ được TP cấp ngân sách khoảng 100 tỷ đồng và việc đấu giá quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, kiến nghị TP có những cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách để huyện có thể cân đối, thực hiện tiếp các dự án do huyện làm chủ đầu tư, trong đó có các dự án thuộc Kế hoạch số 166. Ngoài ra, theo ông Đinh Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, Ban Dân tộc TP phối hợp với các cơ quan chuyên môn tham mưu UBND TP đầu tư kinh phí thực hiện các chính sách về đào tạo nghề cho đồng bào DTTS. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức kinh tế đầu tư và sử dụng lao động là người DTTS tại chỗ. 

Rà soát lại các dự án, công trình 

Để đánh giá tình hình thực tế trong phát triển kinh tế - xã hội của các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi, Tổ công tác thực hiện Kế hoạch 166 của TP vừa tiến hành kiểm tra tại một số địa phương. Qua kiểm tra, đại diện các sở, ngành đã đưa ra những hướng tháo gỡ khó khăn cho các xã miền núi. Theo ông Phùng Văn Thiệp - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, các địa phương cần rà soát lại các hạng mục công trình đã và đang triển khai thực hiện. Đối với những việc sửa chữa nhỏ, đầu tư hoàn thiện công trình như nhà cấp nước, vệ sinh… thuộc thẩm quyền của xã có thể quyết định được, cần cấp ngân sách để hoàn thiện. Với những nơi đã bố trí được diện tích xây dựng công trình văn hóa, huyện, xã cần chủ động các bước làm và có văn bản kiến nghị, thực hiện theo đúng quy trình đầu tư xây dựng cơ bản. Trong lúc chưa có nhà văn hóa, bằng mọi giải pháp tạo điều kiện cho các thôn có điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Trong lúc chưa có điều kiện xây dựng mới thì tận dụng cơ sở hạ tầng, trân trọng những gì đang có.

Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Trung Hai - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP) cho rằng, các xã miền núi cần đánh giá lại 12 chỉ tiêu của Kế hoạch 166. Chỉ tiêu nào có thể hoàn thành trong năm 2015, chỉ tiêu nào cần ít kinh  phí thì thực hiện trước cho phù hợp. Trong đó, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình đang thực hiện dở dang và quyết toán, trả nợ các công trình đã hoàn thành. Đối với các dự án mới, chỉ ưu tiên đầu tư các công trình cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân và hoàn thành chậm nhất là đến năm 2015. Đối với các công trình phục vụ lĩnh vực giáo dục, y tế cần được cân đối nguồn vốn để xã đạt chuẩn về giáo dục và y tế. Ngoài ra, cần theo dõi tiến độ thi công, hiệu quả đầu tư gắn với trách nhiệm của đơn vị thi công, chủ sở hữu của các công trình.

Ông Đặng Văn Bất - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH đề nghị, để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở các xã vùng đồng bào DTTS, đòi hỏi cần có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Trong đó, thực hiện lồng ghép, triển khai đồng bộ có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo trên địa bàn. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và người dân trong việc thực hiện giảm nghèo. Lãnh đạo Sở LĐTB&XH cũng cho biết, trong năm 2015, Sở sẽ có kế hoạch đào tạo nghề riêng cho đồng bào DTTS tại 14 xã khu vực miền núi.

Qua các buổi kiểm tra thực tế tại địa phương, lãnh đạo Ban Dân tộc TP và các sở, ngành đều nhận định, tất cả các giải pháp đều nhằm mục tiêu cuối cùng là phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đó mới là giải pháp giảm nghèo bền vững và thu hẹp dần khoảng cách giữa miền núi và khu vự đồng bằng, đô thị của TP. Do đó, các địa phương cần chú trọng phát triển kinh tế, không nên có tâm lý trông chờ vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, bởi đó chỉ là "lớp vỏ" bên ngoài. 

(Còn nữa)

 
"Chỉ tiêu giảm nghèo là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất của Kế hoạch 166 nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS. Nếu không thực hiện được mục tiêu này, Kế hoạch 166 có nguy cơ bị đổ bể. Do đó, các ngành, địa phương cần có giải pháp giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo tại các xã vùng núi." - Ông Nguyễn Ánh Dương-Phó trưởng Ban Dân tộc TP