Chủ động phòng vệ thương mại để tránh thua thiệt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi Việt Nam khởi kiện và thắng Mỹ trong vụ kiện tôm ra Tòa án WTO năm 2011, nhận thức về phòng vệ thương mại (PVTM) của các DN Việt Nam đã có thay đổi đáng kể.

Chủ động phòng vệ thương mại  để tránh thua thiệt - Ảnh 1Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều DN chịu thua thiệt trong tranh chấp thương mại do kinh doanh không bài bản, không nắm rõ các công cụ phòng vệ.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI).

Qua các vụ kiện thương mại, ông thấy mức độ quan tâm và hiểu biết của DN với các biện pháp PVTM như thế nào, các DN có chủ động đối mặt với các vụ kiện không?

- Có nhiều DN làm ăn lâu đời thì có kinh nghiệm hơn. Hợp đồng của họ tương đối cẩn thận, lường trước nhiều phát sinh trong thực tiễn, hay khi trục trặc thì có hướng xử lý, khi tranh chấp có cơ chế rõ ràng. Họ có bộ máy làm việc có năng lực và làm ăn bài bản. Đáng mừng là tỷ lệ DN này đang ngày càng tăng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều DN chưa thực sự bài bản khi kinh doanh. Đôi khi họ chỉ chú trọng đến khâu tìm đối tác mà chưa điều tra về đối tác. Hợp đồng ký kết còn sơ sài, quy định trừu tượng. Vì thế, khi xảy ra sự việc, họ không hiểu và các bước thực hiện không cụ thể nên quá trình theo kiện kéo dài.

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, tạo điều kiện cho các DN có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu, song cũng đồng nghĩa là sẽ đối mặt nhiều hơn với nguy cơ bị áp các biện pháp PVTM. Ông có lời khuyên nào cho các DN?

- DN tự thân làm thì rất khó, vì ngay cả việc lấy thông tin đã khó khăn, thêm nữa nguồn lực cũng không nhiều. Hội nhập phải là bài toán của Nhà nước và các hiệp hội. Nhưng các hiệp hội của ta hiện còn yếu về cả nhân lực, vật lực (trừ một số ít hiệp hội có bươn chải từ đầu qua các vụ kiện như VASEP, da giày).

Sắp tới, phải tích cực nâng cao vai trò, năng lực của các hiệp hội. Các hiệp hội nên tách ra thành nhiều hiệp hội, phải sửa đổi một số luật, nghị định. Vì nếu DN xuất khẩu ngồi cùng với DN sản xuất trong cùng hiệp hội là mâu thuẫn lợi ích. Tổ chức hội là trung tâm của các DN nên phải là nơi bảo vệ lợi ích cho DN một cách chuyên nghiệp. Còn Nhà nước phải cung cấp thông tin, đào tạo nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí hàng hoá…, nếu không làm sao DN cạnh tranh được.

Thường xuyên ở vai bị đơn trong các vụ kiện PVTM, trong khi số vụ kiện mà DN Việt Nam ở vai nguyên đơn lại rất ít, thậm chí là rất hiếm. Chúng ta có thể học hỏi được gì từ chính sách bảo hộ của các nước qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) gần đây?

- Lấy ví dụ từ một quốc gia gần gũi là Hàn Quốc, qua việc ký kết FTA Việt Nam – Hàn Quốc vừa qua đã thấy Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm đàm phán, họ cũng khuyến nghị là các biện pháp hỗ trợ có thể vi phạm các quy định,  nhưng nếu có lợi cho cộng đồng DN hay một nhóm DN nào và có lợi cho quốc gia thì họ sẵn sàng làm. Họ cũng tính đến câu chuyện có thể bị phạt, nhưng quan điểm của họ là nếu khoản bị phạt đó nhỏ hơn so với lợi ích của cộng đồng và quốc gia thì họ chấp nhận. Đây cũng là bài học được nhiều chuyên gia của chúng ta đề nghị áp dụng. Lợi ích ở đây không nhất thiết phải là vật chất, kể cả có thể bị kiện cũng không vấn đề gì. Nếu bị kiện mà thông qua vụ kiện đó, chúng ta bảo vệ được chính nghĩa, bảo vệ pháp luật, vị thế của Việt Nam thì chúng ta chấp nhận. Cho nên, nếu thấy bị kiện thì cũng không nên sợ.

Mới đây, Bộ Công Thương ra quyết định áp thuế tự vệ tạm thời với phôi thép và thép dài nhập khẩu. Sự việc này cho thấy các DN thép đã dần thoát khỏi tâm ký e ngại kiện tụng, nhưng với đa số các DN ở ngành hàng khác thì đây vẫn còn là rào cản lớn vì nhiều lẽ?

- Đúng vậy, DN Việt Nam đang cần sự trợ giúp về mặt pháp lý của các công ty luật trong nước và quốc tế. Và để làm được điều này, DN phải thực sự có tiềm năng và chủ động cách làm.

Xin cảm ơn ông!
Việc áp dụng công cụ PVTM có 2 rủi ro mà chính Bộ Công Thương cũng cảm thấy trách nhiệm kiểm soát rủi ro này hết sức nặng nề. Thứ nhất, áp không đúng theo quy định của WTO và các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia sẽ bị các nước khiếu nại, thậm chí khởi kiện Chính phủ Việt Nam. Thứ hai, quá thiên về quyền lợi của bên sản xuất, coi nhẹ quyền lợi bên tiêu dùng, dẫn đến bảo vệ quá mức, hay nói cách khác là bảo hộ trá hình. Ngoài ra, do các hạn chế về biên chế, đội ngũ thực thi pháp luật về OVTM của chúng tôi rất thiếu. Nếu không tăng cường, chỉ 1 - 2 năm nữa sẽ không đủ sức đáp ứng yêu cầu của DN. 
Ông Trần Quốc Khánh Thứ trưởng Bộ Công Thương