Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động phương án bảo vệ rau màu và cây ăn quả

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở NN&PTNT Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2226/SNN-TT đề nghị các quận, huyện, thị xã tập trung phòng, chống bão số 4 cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã khiến nhiều diện tích cây ăn quả bị thiệt hại nặng nề

Theo đó, để chủ động phòng, tránh, hạn chế thiệt hại do bão số 4 gây ra, bảo vệ diện tích cây trồng, vật nuôi, thủy sản, UBND quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với các DN thủy lợi trong công tác quản lý, điều hành hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn đơn vị; chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn huy động tối đa lực lượng, thiết bị hỗ trợ để tiêu úng kịp thời.

Đối với vùng trồng rau, khuyến cáo nông dân vét sâu rãnh luống, đào sâu đầu luống để thoát nước nhanh khi bị ngập, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối rễ, thối cây; chuẩn bị hạt giống rau màu để gieo trong lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung. Đối với diện tích cây ăn quả, sở khuyến cáo người dân tập trung thu hoạch nhanh, gọn, đặc biệt với diện tích nhãn đã đến thời điểm thu hoạch; tiến hành cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh, đào mương thoát nước tạo thông thoáng cho vườn cây để phòng ngập úng, gãy đổ. Sau bão, xới phá váng để rễ cây đươc thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân phục hồi.

Bên cạnh đó, phân công cán bộ bám sát tình hình sản xuất, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chủ động phòng chống cơn bão số 4; rà soát số lượng vật nuôi, diện tích nuôi trồng thủy sản tại địa phương, đặc biệt những vùng có nguy cơ cao; có phương án di dời, bảo vệ gia súc, gia cầm và vùng nuôi trồng thủy sản; có phương án khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau bão. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thủy sản. Phát hiện sớm, kịp thời khống chế, không để bệnh lây lan ra diện rộng. Tổ chức vệ sinh và tiêu độc khử trùng môi trường sau mưa bão.

Giao các đơn vị trực thuộc chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp khôi phục sản xuất sau mưa bão; phối hợp chặt chẽ với phòng Kinh tế, UBND xã, phường, thị trấn tăng cường giám sát tại các ổ dịch cũ, các khu vực có nguy cơ cao để chủ động phòng chống dịch bệnh kịp thời không để dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống...

Các DN thủy lợi theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão, cập nhật thường xuyên dự báo khí tượng thủy văn, chỉ đạo vận hành công trình tiêu nước đệm, sẵn sàng vận hành công trình trong trường hợp có khả năng xảy ra mưa lớn, ngập úng. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên kiểm tra các công trình xung yếu, đập, hồ chứa nước nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình. Chủ động hạ thấp mực nước các hồ chứa nước để đón mưa, lũ đảm bảo an toàn công trình và không xả lũ bất thường làm ảnh hưởng đến vùng hạ du.