Chủ động trước phương án thi mới

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm giúp học sinh (HS) lớp 12 làm quen với hình thức thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT quốc gia 2017, Sở GD&ĐT Hà Nội đã dự kiến tổ chức thi học kỳ I theo hình thức tập trung trong 2 ngày 14 và 15/12/2016 và Sở chủ trì việc ra đề.

Tuy nhiên, sau khi nghe phản hồi từ dư luận, mới đây, Sở đã quyết định để các trường tự ra đề, tự tổ chức kiểm tra.
Nhiều trường lúng túng
Theo dự kiến, các trường THPT sẽ tổ chức kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2016 - 2017 cho HS khối 12 như thi THPT quốc gia 2017, coi như một cuộc tập dượt hình thức thi mới. HS được phát số báo danh, có đề thi riêng, việc chấm thi bảo đảm đúng quy trình, môn Ngữ văn thi tự luận sẽ rọc phách, các trường chấm chéo, còn lại tất cả môn thi trắc nghiệm sẽ gửi về Sở GD&ĐT để chấm bằng máy. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các trường lại vừa được thông báo tự tổ chức thi, thay vì thi chung như dự kiến.
 Giờ ôn tập của học sinh trường THPT Lê Quý Đôn.  Ảnh:  Công Hùng
Thay đổi này khiến không ít trường bối rối vì việc chuẩn bị đề thi theo hướng tiệm cận với cách ra đề của Bộ GD&ĐT không đơn giản. Việc ra đề trắc nghiệm cho hầu hết các môn đòi hỏi nhà trường phải đầu tư ngân hàng câu hỏi tốt và nắm được các kỹ thuật làm đề để đảm bảo đánh giá đúng năng lực HS, bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của kỳ thi THPT quốc gia. Lãnh đạo trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, với HS lớp 12, thời gian chuẩn bị và ôn thi không còn nhiều, do vậy phải tận dụng mọi cơ hội để làm quen với cách thi mới, đảm bảo đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2017: “Các trường mong muốn cho HS thi chung đề, qua đó để có đánh giá khách quan trên mặt bằng rộng. Kết quả này sẽ là căn cứ để gia đình, nhà trường và bản thân HS cùng nhìn lại quá trình dạy, học để điều chỉnh kịp thời trước khi chính thức bước vào kỳ thi quan trọng tới”.
Ngoài việc bị động do thay đổi đột ngột, một khó khăn cho các trường là môn Giáo dục công dân trong đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT đòi hỏi cao về ứng dụng thực tế, trong khi nhiều nội dung viết trong sách giáo khoa chưa đi sâu, lại có quá ít tiết trong một tuần. Đề thi minh họa môn này yêu cầu HS hiểu biết về pháp luật xã hội, đời sống. Muốn vậy, HS không chỉ nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải học hỏi, trau dồi kiến thức ở cuộc sống đời thường. Đây là điều khó khăn với cả giáo viên, HS khi một tuần chỉ có 1 tiết Giáo dục công dân.
Có phương án ngay từ đầu năm
Khá nhiều trường lúng túng vì thay đổi này, song một số trường đã tự có phương án "ứng phó" kịp thời. Lãnh đạo trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho biết, ngay khi nhận được thông báo từ Sở GD&ĐT, nhà trường đã tập hợp các tổ bộ môn và tiến hành ra đề. Hiện nay, công tác chuẩn bị đề kiểm tra học kỳ I của nhà trường đã xong, chỉ chờ ngày kiểm tra. Cũng chủ động có phương án, kế hoạch cho thi học kỳ I như thi thật để HS làm quen với hình thức thi mới, lãnh đạo trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, nhà trường đã chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi và nghiên cứu cách ra đề dựa theo đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2017 của Bộ GD&ĐT ngay từ đầu năm. Phải thừa nhận, giáo viên các bộ môn khá vất vả trong việc vừa dạy học vừa tổ chức làm đề thi, kiểm tra, nhưng đổi lại HS có điều kiện cọ xát, làm quen với hình thức thi mới.
Phải nói rằng, những trường THPT chủ động ngay từ đầu với hình thức thi mới thì dường như không mấy lúng túng. Hiện tại, nhà trường đang tích cực thay đổi phương pháp dạy học và kiểm tra, cho HS đăng ký lựa chọn các tổ hợp môn để chuẩn bị cho đợt kiểm tra cuối học kỳ I. Ông Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng trường THPT WellSpring (quận Long Biên) cho biết, không chỉ đợi thi học kỳ I, mà nhà trường yêu cầu đối với các bài kiểm tra 1 tiết, GV thực hiện theo dạng đề minh họa để HS làm quen với dung lượng kiến thức đã học. Hiện, nhà trường đã cho HS đăng ký lựa chọn nhóm môn để chủ động kế hoạch, mỗi tổ chuyên môn đều chuyển đổi ma trận đề sang dạng thích hợp với kỳ thi THPT quốc gia.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017, thí sinh được phép làm 5 bài
Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia lần 2 của Bộ GD&ĐT quy định năm 2017 tổ chức thi 5 bài. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi 4 bài, gồm 3 bài bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài tự chọn Khoa học tự nhiên (KHTN) gồm tổ hợp môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc Khoa học Xã hội  (KHXH) có Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Thí sinh Giáo dục thường xuyên phải thi 3 bài: Toán, Ngữ văn và 1 bài tự chọn (KHTN hoặc KHXH gồm Lịch sử, Địa lý).
Thí sinh được chọn thi cả 2 bài thi (KHTN và KHXH), điểm bài nào cao hơn sẽ được tính xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh giáo dục THPT có thể thi cả 5 bài, thí sinh Giáo dục thường xuyên thi 4 bài để tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi và các môn thành phần của bài thi KHTN, KHXH phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH. (Thủy Trúc)