Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động xử lý nợ đọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, kinh tế cả nước vẫn tiếp tục gặp khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách (NS).

Tuy vậy, với tinh thần bảo đảm số thu để đáp ứng nhu cầu chi cho phát triển, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan tài chính, thuế phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách ở mức cao nhất.

 
Cán bộ Chi cục Thuế Hà Nội kiểm tra hóa đơn, chứng từ tại một doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Yên Chi
Cán bộ Chi cục Thuế Hà Nội kiểm tra hóa đơn, chứng từ tại một doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Yên Chi

Rà soát tất cả nguồn thu

Số liệu của Cục Thuế đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo chống thất thu và nợ đọng thuế TP Hà Nội ngày 27/8 cho thấy, tính đến đầu tháng 8, số thu nội địa (không kể dầu thô, tiền sử dụng đất) do ngành thuế Hà Nội thực hiện đạt hơn 66.000 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 và bằng 44,3% so với kế hoạch.

Nguyên nhân là do các khu vực từng đóng góp lớn vào thu NS hàng năm như thu từ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), khối ngân hàng, các khoản thu từ đất... đều đạt thấp. Ông Phi Vân Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, đơn cử, thu từ khối các ngân hàng, một năm giao 12.800 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng số thu NS Hà Nội. Nhưng năm nay, ngân hàng tăng dự phòng nên số thu từ khối này giảm mạnh, tính tới thời điểm này thu hụt khoảng gần 7.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng nợ thuế đến 7/2013 là 18.616 tỷ đồng bao gồm: Nợ thuế phát sinh 11.445 tỷ đồng tăng 3.402 tỷ đồng (42,3%) do nợ năm trước chuyển sang, trong đó nợ có khả năng thu 10.303 tỷ đồng tăng 2.194 tỷ đồng (27%) so với nợ đầu năm; nợ tiền phạt chậm nộp 2.862 tỷ đồng, tăng 937 tỷ đồng (48,6%) so với nợ đầu năm... Ông Tuấn cho biết, hiện, ngành thuế đã triển khai 350 đoàn kiểm tra, rà soát tất cả các nguồn thu và đôn đốc thu hồi các khoản nợ thuế... Mới đây, sau khi tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha  Motor Việt Nam, Cục Hải quan Hà Nội đã có quyết định ấn định thuế đối với những những lô hàng có C/O mẫu D không hợp lệ nhập khẩu trong 3 năm (2009 - 2011) của công ty này với số tiền còn phải nộp là 6,888 tỷ đồng (tổng số tiền thuế DN này phải nộp là 16,659 tỷ đồng, DN đã nộp 9,77 tỷ đồng).

Tăng cường kiểm tra

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng chỉ đạo, thời gian tới ngành thuế cần tiếp tục duy trì các biện pháp quản lý, thu hồi nợ đọng thuế để bù đắp lại những khoản thu sắc thuế do các nguyên nhân kinh tế khó khăn mang lại. Tìm ra những dư địa để bù đắp những khoản thu. Theo Phó Chủ tịch, việc sử dụng hóa đơn chứng từ bất hợp pháp để trốn thuế diễn ra ngày càng tinh vi, do đó ngành thuế cần phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra phát hiện những vi phạm này. Hiện, Cục Thuế đã áp dụng công nghệ đối chiếu chéo hóa đơn chứng từ, bước đầu ngăn chặn các trường hợp vi phạm.

Trong bối cảnh bất động sản đóng băng, đối với các khoản nợ đọng về đất, Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng yêu cầu, ngành thuế phối hợp với Sở TN&MT, Sở Xây dựng... và các chủ dự án để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện xử lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với các phần diện tích xen kẹt, hoặc đấu giá đất...

Qua trao đổi giữa các ngành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm là tập trung thu ngân sách để đạt được cao nhất so với dự toán đã đề ra. Các ngành, địa phương cần rà soát, phân loại, xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý cho phù hợp, đồng thời tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế... Chủ tịch UBND TP cho rằng, bên cạnh việc tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN trong phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường, những chính sách hỗ trợ về thuế kịp thời và linh hoạt, đảm bảo cứu DN sẽ góp phần không nhỏ trong việc ổn định kinh tế - xã hội, lấy lại đà tăng trưởng hợp lý trong thời gian tới. Và về lâu dài, đây là một trong những giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu cho TP…
 
Từ đầu năm đến nay, số DN ngừng hoạt động trên địa bàn Hà Nội là 6.653 DN, trong đó giải thể 326 DN (4,9%), bỏ địa chỉ kinh doanh 3.932 (59,1%), tạm ngừng kinh doanh 2.395 DN (36%). Cùng thời gian này, trên toàn địa bàn TP có 9.584 DN thành lập mới, nhưng theo đại diện Cục Thuế Hà Nội, đại đa số những DN này chưa phát sinh thuế phải nộp, hoặc có phát sinh nhưng số thuế nộp ngân sách Nhà nước thấp.